Khi đến thăm các khu vực phía Đông của đất nước vạn đảo, nơi có “Tam giác san hô” (Coral Triangle) được công nhận là có hệ sinh thái và sinh học phong phú, đa dạng nhất thế giới, bà Pudjiastut nhận thấy rằng những đứa trẻ ở đây thường “dán mắt” vào những du khách đi lặn biển ngắm san hô hàng giờ đồng hồ.

“Tôi chợt nhận ra rằng, làm sao chúng ta có thể khơi dậy niềm đam mê cũng như trách nhiệm bảo vệ những nét đẹp của thế giới dưới đáy biển của quê hương mình nếu chúng chưa bao giờ có cơ hội ngắm nhìn nó,” bà nói.

Bà Susi Pudjiastut trao tặng kính bơi cho trẻ em ở Bangka thuộc đảo Sumatra, Indonesia.

Chính vì vậy, bà đã đi đến sáng kiến tặng miễn phí kính bơi cho trẻ em ở các khu vực ven biển Indonesia. Kể từ năm 2016, đã có hơn 2.000 chiếc kính bơi được trao tặng cho trẻ em ở Đông Papua, Sumatra, Maluku, Sulawesi và Nusa Tenggara. Bộ trưởng Pudijastuti nói rằng bà muốn trao cho thế hệ trẻ “đôi mắt mới” để có thể cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên của biển.

Với tình trạng ô nhiễm biển nặng nề do chất thải tại Indonesia, bà mong muốn chiến dịch này sẽ khuyến khích thế hệ trẻ Indonesia trân trọng những rạn san hô, hiểu được vai trò của chúng đối với môi trường sinh thái biển, từ đó khuyến khích trẻ em chung tay góp phần vào công tác bảo vệ môi trường biển của nước này.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về việc quản lý chất thải rắn trên phạm vi toàn cầu, Indonesia là đất nước xả chất thải ra biển nhiều thứ hai trên thế giới chỉ sau Trung Quốc, với 3,22 triệu tấn rác thải mỗi năm.

NGUYỄN DƯƠNG (theo The Guardian)