Theo hãng tin CNN, cả hai ứng cử viên cùng có kế hoạch đi vận động tại một loạt bang quan trọng ở miền Trung Tây nước Mỹ, bao gồm Wisconsin-nơi đại dịch Covid-19 bùng phát. Ngày 30-10 (giờ địa phương), đương kim Tổng thống Mỹ đã đến Michigan, Wisconsin và Minnesota; còn cựu Phó tổng thống Mỹ lựa chọn tới Wisconsin, Iowa và Minnesota. Trong khi đó, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence vận động tranh cử tại bang Arizona và ứng cử viên Phó tổng thống của Đảng Dân chủ Kamala Harris tiến hành vận động tại bang Texas.
Việc đều tập trung vào các bang Trung Tây ở những ngày tranh cử cuối cùng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực này trên con đường giành ít nhất 270 phiếu đại cử tri của cả hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden. Đáng chú ý, Michigan và Wisconsin là các bang có truyền thống ủng hộ Đảng Dân chủ, nhưng lại bầu cho ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống 4 năm trước. Những bang trên được đưa vào danh sách các bang “chiến địa”, tức bang dao động chưa chắc chắn chọn ai. Riêng với Minnesota-nơi chưa từng bầu cho ứng cử viên nào của Đảng Cộng hòa kể từ năm 1972 đến nay, đây là một trong số ít các bang của Đảng Dân chủ mà vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ đang cố gắng giành lá phiếu cử tri. Trước đó, ông Joe Biden lại dừng chân ở Nam Florida-quê hương của Tổng thống Donald Trump. Những điều này là ví dụ điển hình cho nỗ lực mở rộng phạm vi của hai bên ở giai đoạn gấp rút trước thềm bầu cử.
 |
Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden.Ảnh: Getty Images. |
Theo thống kê của RealClearPolitics, ứng cử viên Joe Biden đang dẫn trước ông Donald Trump lần lượt 6,4 và 6,5 điểm phần trăm ở Wisconsin và Michigan-các bang mà ông Donald Trump đã đạt được hàng chục nghìn phiếu bầu nhiều hơn so với bà Hillary Clinton vào năm 2016. Đồng thời, ông Joe Biden cũng đang nắm giữ lợi thế nhỉnh hơn về tỷ lệ ủng hộ của cử tri trong các cuộc thăm dò gần đây tại Minnesota và Iowa. Có thể thấy một cuộc đua khốc liệt hơn giữa hai ứng cử viên bởi xác suất kết quả bỏ phiếu ở những bang này trong năm nay đang được đánh giá là sẽ khá sát nút.
Sau khi khỏi bệnh, Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tham gia các cuộc vận động tranh cử trực tiếp với quy mô lớn. Tại các sự kiện này, vị tỷ phú bất động sản luôn cố gắng làm giảm mức độ nghiêm trọng của đại dịch, đồng thời đề cao các thành tích kinh tế-“vũ khí” chủ đạo của mình. Trong khi đó, cựu Phó tổng thống Joe Biden thường tổ chức các cuộc vận động quy mô nhỏ hơn và “đổ tiền” vào các quảng cáo trực tuyến cùng với thông điệp hứa hẹn sẽ mang đến hy vọng cho người dân Mỹ và xử lý dịch bệnh hiệu quả, nhanh chóng. Đại dịch Covid-19 đã lấy đi sinh mạng của hơn 235.000 người tại Mỹ, khiến hàng triệu người mất việc làm và dịch chưa có dấu hiệu được kiểm soát vì những đợt bùng phát mới liên tiếp xuất hiện.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cùng với nỗ lực vận động tranh cử của hai ứng cử viên đã khiến người dân Mỹ đi bỏ phiếu sớm với số lượng chưa từng có. Theo số liệu của Dự án bầu cử Mỹ (UEP) của đại học Florida, tính đến tối 31-10 (giờ Việt Nam), đã có 87,8 triệu phiếu bầu sớm được gửi, tương đương 63,7% tổng số cử tri đi bỏ phiếu trong năm 2016. Trong đó, có 57 triệu phiếu được bỏ qua bưu điện và 30,8 triệu phiếu bầu trực tiếp. Năm 2016, tổng số phiếu bầu sớm chỉ khoảng 47,2 triệu phiếu. Dữ liệu nghiên cứu cho thấy cử tri Đảng Dân chủ bỏ phiếu qua đường bưu điện đông hơn đảng đối thủ. Ngược lại, cử tri Đảng Cộng hòa được dự báo sẽ đi bầu rất đông vào ngày bỏ phiếu toàn quốc vào tuần sau.
Các cuộc thăm dò cử tri của Pew Research trong những ngày cuối cùng này vẫn cho kết quả ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden đang tạm dẫn trước vị Tổng thống đương nhiệm Donald Trump với cách biệt lên tới 10% trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, tương tự như kỳ bầu cử tổng thống năm 2016, “đường đua” càng ngắn lại thì càng thêm quyết liệt.
QUYẾT THẮNG