Trên trang web chính thức, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) công bố báo cáo Phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC) mới nhất cho biết, hiện ở Sudan có hơn 20,3 triệu người, tức tương đương hơn 42% dân số nước này đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ cao. Nếu so với kết quả phân tích mà IPC thực hiện vào tháng 5-2022 thì con số này đã tăng gần gấp đôi. Những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nạn đói cũng là những nơi đang chứng kiến xung đột, bao gồm thủ đô Khartoum, phía Tây và phía Nam Kordofan cùng nhiều khu vực trên khắp Darfur. Người ta ước tính rằng, hơn một nửa dân số của những địa phương này đang phải chống chọi với nạn đói trầm trọng.

Cũng theo báo cáo, cuộc xung đột giữa quân đội Sudan và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự ở nước này khiến hơn 2,6 triệu người phải đi di tản trong nước và hơn 900 nghìn người khác phải chạy sang các quốc gia láng giềng để lánh nạn. Các cơ sở hạ tầng quan trọng như trung tâm chăm sóc sức khỏe, cơ sở năng lượng và viễn thông bị hư hại nặng nề càng làm tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng ở Sudan trở nên trầm trọng thêm. Thị trường gián đoạn và giá lương thực tăng cao cũng khiến người dân Sudan khó khăn hơn trong việc tiếp cận với các loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu.

Bày tỏ lo ngại về tình hình hiện nay ở Sudan, ông Abdulhakim Elwaer, Trợ lý Tổng giám đốc kiêm Đại diện khu vực Cận Đông và Bắc Phi của FAO cho rằng, cuộc xung đột ở Sudan đã để lại những hậu quả nặng nề đối với an ninh lương thực và dinh dưỡng ở Sudan cũng như sự an toàn của hàng triệu người dân nước này. “Các gia đình đang phải đối mặt với nỗi khổ ngoài sức tưởng tượng và điều mang tính chất sống còn là FAO đang tham gia vào việc hỗ trợ hơn 1 triệu nông dân trong giai đoạn này nhằm sản xuất đủ lương thực cho người dân Sudan”, ông Elwaer cho biết thêm.

leftcenterrightdel

Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Sudan phân phát lương thực cứu trợ cho người tị nạn ở Khartoum. Ảnh: ifrc.org 

Thời gian gần đây, FAO và các cơ quan khác của LHQ đã lên tiếng kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đồng thời đưa ra một số giải pháp nhằm giúp Sudan thoát khỏi cuộc khủng hoảng lương thực, mà một trong số đó là hỗ trợ nông dân nước này đẩy mạnh hoạt động trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, với sự hỗ trợ của chính phủ các nước như: Mỹ, Na Uy, Đức, Hà Lan và Quỹ phản ứng khẩn cấp trung tâm của LHQ, FAO đã hỗ trợ 8.840 tấn hạt ngũ cốc và đậu bắp cho nông dân Sudan. Các chiến dịch phân phối hạt giống khẩn cấp cũng được phát động nhằm mở rộng việc cung cấp hạt giống kịp thời cho 1 triệu nông dân Sudan trong vụ mùa, bảo đảm cung cấp lượng ngũ cốc phục vụ nhu cầu về lương thực cho 19 triệu người dân nước này trong vòng một năm.

Tuy nhiên, việc thiếu hụt các nguồn lực đang cản trở những nỗ lực chống nạn đói ở Sudan. Trong đó, FAO cho biết tổ chức này đang cần gấp khoảng 65 triệu USD để hỗ trợ gần 6,3 triệu người dân và triển khai các hoạt động khác như cung cấp hạt giống, hỗ trợ công tác chăn nuôi, trồng trọt, đánh bắt cá... cho các hộ gia đình ở Sudan.

“Chúng tôi vẫn giữ nguyên cam kết hỗ trợ các hộ gia đình ở khu vực nông thôn Sudan trong những giai đoạn đầy thách thức này. Tuy nhiên, nếu không có những nguồn lực kịp thời thì không thể hoàn thành công việc quan trọng. Nông nghiệp là sợi dây cứu sinh và khi vụ mùa chính bắt đầu, cần có hành động khẩn cấp nhằm ngăn không để vấn đề an ninh lương thực trở nên trầm trọng hơn và để cứu sinh mạng cũng như kế sinh nhai của người dân Sudan”, Hongjie Yang, đại diện của FAO tại Sudan nhấn mạnh.

An ninh lương thực được coi là vấn đề muôn thuở ở Sudan. Thế nên không chỉ trong thời điểm hiện tại mà ngay cả khi hòa bình trở lại, nông nghiệp vẫn sẽ là sợi dây cứu sinh giúp người dân Sudan hướng tới một cuộc sống đỡ chật vật hơn.

TRUNG DŨNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.