Theo Euronews, đây là một số phát hiện đáng lo ngại từ một báo cáo mới về thay đổi nhân khẩu học do Ủy ban châu Âu (EC) công bố. Báo cáo này đã vẽ ra một bức tranh đáng báo động về sự chuyển đổi kinh tế và xã hội sâu sắc do lực lượng lao động bị thu hẹp khi EU có tốc độ già hóa dân số quá nhanh. Dữ liệu trong báo cáo của EC cho thấy, dân số EU với hơn 448 triệu người vào đầu năm nay dự kiến sẽ đạt đỉnh vào khoảng năm 2026 và sau đó giảm dần. Ðến năm 2100, khu vực sẽ “thất thoát” 57 triệu người trong độ tuổi lao động. Đáng lo ngại hơn là tỷ lệ phụ thuộc của khối (tỷ lệ số người cao tuổi so với số người trong độ tuổi lao động) sẽ tăng từ 33% hiện nay lên 60% vào cuối thế kỷ này.
Bà Dubravka Šuica, Phó chủ tịch Ủy ban phụ trách dân chủ và nhân khẩu học châu Âu nhận định: “Mỗi quốc gia thành viên đang phải đối mặt với những thách thức riêng của mình. Hy Lạp là quốc gia thành viên có tốc độ già hóa nhanh nhất. Ở Italy, thách thức chính là tỷ lệ sinh giảm và dân số già đi”. Theo báo cáo công bố hồi tháng 7 năm nay của Cơ quan Thống kê quốc gia Italy (ISTAT), tỷ lệ người dân trên 100 tuổi ở nước này đã tăng gấp 3 lần từ đầu thế kỷ và đạt tổng cộng gần 22.000 người tính tới tháng 1. Số người trên 100 tuổi ở Italy chủ yếu là cụ bà. Trong khi đó, tỷ lệ sinh của nước này giảm xuống mức thấp nhất, còn 393.000 ca sinh vào năm 2022. ISTAT cũng dự kiến dân số trên 80 tuổi ở Italy sẽ vượt quá 6 triệu người vào năm 2041.
 |
Một khách hàng cao tuổi mua sắm tại siêu thị ở thủ đô Rome, Italy. Ảnh: Tân Hoa xã |
Sự thay đổi mạnh mẽ trong kim tự tháp nhân khẩu học ở EU sẽ làm đảo lộn thị trường lao động. Theo Bộ Lao động Pháp, đến năm 2030, trung bình mỗi năm nước này chỉ có 640.000 thanh niên gia nhập thị trường lao động, trong khi có đến 760.000 vị trí tuyển dụng. Tình trạng thiếu hụt lao động có thể kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế, năng suất sản xuất và đổi mới, qua đó làm giảm khả năng cạnh tranh của EU so với các nền kinh tế lớn khác. Bên cạnh đó, lực lượng lao động suy giảm chắc chắn sẽ làm giảm doanh thu của kho bạc nhà nước, đồng thời gây thêm áp lực lên ngân sách công khi phải chi nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe và lương hưu. Điều này có thể chuyển hướng chú ý của các quan chức châu Âu khỏi các khoản đầu tư cần thiết cho năng lượng tái tạo và công nghệ tiên tiến.
Các nhà phân tích cho rằng già hóa dân số là một thành tựu của quá trình phát triển. Tuy nhiên, tình trạng này cũng đặt ra những thách thức to lớn về kinh tế, xã hội đối với chính phủ các nước. Trước khi hậu quả do tình trạng dân số già gây ra trở nên không thể khắc phục được, EC khuyến nghị các quốc gia thành viên cần hành động quyết đoán. Một số giải pháp khả thi có thể thực hiện là thu hẹp khoảng cách về lương theo giới, cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cung cấp các lợi ích về thuế, giảm chi phí chăm sóc trẻ em và giúp người trẻ dễ dàng tiếp cận công việc có chất lượng và giá nhà ở phải chăng hơn. Bên cạnh đó, để giải quyết “cơn khát” lao động khi tỷ lệ sinh giảm và số lượng người cao tuổi gia tăng, EC cũng khuyến khích các nước chào đón lao động nhập cư hợp pháp để lấp đầy các vị trí tuyển dụng đang bị bỏ trống.
Theo EC, điều rất quan trọng là tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi kéo dài thời gian làm việc lâu hơn thông qua các chương trình nâng cao kỹ năng và giờ làm việc linh hoạt. Chính phủ các nước thành viên EU cần kêu gọi doanh nghiệp xóa bỏ những định kiến về người lao động cao tuổi. Phó chủ tịch Ủy ban phụ trách dân chủ và nhân khẩu học châu Âu Šuica cho rằng, các nước cần nhanh chóng khai thác những cơ hội kinh tế mới do cái gọi là “nền kinh tế bạc” tạo ra.
LÂM ANH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.