QĐND - Vụ việc công dân Mỹ Đu-glát Mắc Au-thơ Mắc Kên (Douglas McAuthur McCain) tham gia nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) thiệt mạng ở Xy-ri mới đây và vụ nhà báo Mỹ Giêm Pho-lây bị một phần tử khủng bố tình nghi là người Anh chặt đầu, đã gióng lên hồi chuông báo động về phong trào cực đoan hóa đang lan rộng và lôi kéo được ngày càng nhiều người nước ngoài tham gia.
Bị "cực đoan hóa" như thế nào?
Cũng như các công dân Mỹ từng bị phát hiện tham gia phong trào Hồi giáo cực đoan trước đây, A. Mắc Kên, 33 tuổi, chịu ảnh hưởng nặng của tư tưởng Hồi giáo cực đoan qua mạng Internet. Các nhà điều tra phát hiện A. Mắc Kên từng có các cuộc trò chuyện trên mạng với các phần tử Hồi giáo cực đoan, một trong những cách thức chiêu dụ chiến binh phổ biến mà các phần tử khủng bố vẫn tiến hành để gia tăng lực lượng.
A. Mắc Kên được một người bạn mô tả là người có niềm tin mãnh liệt đối với Hồi giáo. Cải sang đạo Hồi vào năm 2004, A. Mắc Kên trở thành một tín đồ thường xuyên tung lên mạng những bài viết và hình ảnh ca tụng Hồi giáo cực đoan với ngôn từ của một kẻ cuồng tín. Người này đã liệt kê trên trang mạng xã hội Facebook những thứ mình yêu thích, bao gồm kinh Cô-ran và sách đạo Hồi. A. Mắc Kên tung hô việc cải sang đạo Hồi và thường xuyên gửi tin và làm bạn với những chiến binh thánh chiến trên mạng. A. Mắc Kên còn nhắn tin cho một chiến binh của tổ chức Hồi giáo I-rắc và Xy-ri (ISIS)- tên gọi cũ của IS trên Twitter rằng “Tôi sẽ sớm gia nhập hàng ngũ của các bạn”. Thông tin về bản thân trên MySpace của A. Mắc Kên cũng chứa những thông điệp tương tự, cùng bức ảnh kèm dòng chữ “Kinh Cô-ran là tất cả những gì tôi muốn trong cuộc đời đầy rẫy tội ác này”.
 |
Hộ chiếu Mỹ của A. Mắc Kên. Ảnh: Getty Images
|
A. Mắc Kên bị những phần tử Hồi giáo cực đoan lôi kéo theo cách thức tương đối giống với cách họ chiêu dụ các công dân Mỹ khác đang tham gia lực lượng khủng bố ở nước ngoài. Lối tuyên truyền chiêu dụ chiến binh mới của phong trào cực đoan cho thấy sự tinh vi khó kiểm soát, có sức lan tỏa nhanh chóng và đang gieo rắc mối lo ngại đối với nhiều chính phủ, đặc biệt là Mỹ. Tại Mỹ, những người ủng hộ IS có thời gian đã liên tục tải lên mạng xã hội Twitter các bức ảnh cho thấy lá cờ của IS được căng ra ngay phía trước Nhà Trắng và trước tòa nhà Old Building ở Đại lộ Mi-chi-gân (Chi-ca-gô) kèm đoạn thông điệp đe dọa bằng tiếng A-rập: “Chúng tôi đang ở trong quốc gia của các người, chúng tôi ở trong các thành phố của các người, chúng tôi ở trên phố của các người, ở mọi nơi các người đều là mục tiêu của chúng ta”.
A. Mắc Kên không phải người Mỹ duy nhất tham gia lực lượng khủng bố. Tình báo Mỹ khẳng định, con số mới nhất là có tới 300 công dân Mỹ được cho là đang chiến đấu cho IS và họ rất khó để nắm bắt được hành tung của những người này.
Ở Ô-xtrây-li-a, mối lo ngại phong trào cực đoan hóa lôi kéo thanh niên nước này ngày càng gia tăng. Tổng giám đốc Cơ quan Tình báo An ninh Ô-xtrây-li-a, ông Đa-vít I-vin (Davit Irvine) từng cảnh báo các công dân nước này đang trở thành nhân tố chính trong “các cuộc chiến truyền thông xã hội” được phát động từ I-rắc và Xy-ri, khi họ ngày càng hoạt động giống với những kẻ truyền bá tư tưởng Hồi giáo cực đoan bằng tiếng Anh. Ông cho biết, các phần tử cực đoan sử dụng phương tiện truyền thông mới (mạng xã hội Facebook và Twitter) để phát tán thông điệp cực đoan, nhằm kích động giới trẻ nước này.
Vươn vòi tới châu Âu
Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo nước ngoài Anh (MI6) Ri-chác Ba-rét công bố con số “giật mình”, khi cho biết số người Anh đang tham chiến ở I-rắc và Xy-ri có thể lên đến 500 người. Trong khi đó, các quan chức châu Âu cho rằng, có hơn 2000 công dân thuộc các nước Liên minh châu Âu (EU) đang hưởng ứng phong trào thánh chiến. 500 đến 1000 người trong số này có thể đã gia nhập IS, nhiều nhất lần lượt là công dân Pháp, Đức và Anh.
Kết quả cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu ICM thực hiện cho hãng thông tấn Nga Rossiya Segodnya mới đây cho hay, có tới 15% người Pháp được hỏi có thái độ tích cực đối với IS, đặc biệt là nhóm tuổi từ 18 đến 24. Con số này tại Anh là 11% (chủ yếu từ 35 đến 44 tuổi), còn ở Đức là 10% (chủ yếu là 16 đến 17 tuổi).
Theo giới chuyên gia phân tích, một trong những nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều chiến binh khủng bố nước ngoài tham gia phong trào Hồi giáo cực đoan là do tâm lý bất mãn gia tăng do những người này cảm thấy bị ghét bỏ, cùng với viễn cảnh kinh tế ảm đạm, trái ngược hẳn với “vinh quang” nhận được từ hành động mà các phần tử khủng bố coi là “tử vì đạo”.
“Nhập khẩu ngược” các cuộc tấn công
Đáng lo ngại hơn khi một quan chức chống khủng bố châu Âu cho biết, có tới 300 người từng tới Xy-ri đã quay về nước. Cùng với đó là mối lo những phần tử này sẽ “nhập khẩu” các cuộc tấn công ngay tại nước mình. Anh và Pháp là hai quốc gia bị Tổ chức Cảnh sát châu Âu (EUROPOL) liệt vào danh sách là “kinh đô khủng bố của châu Âu” trong một báo cáo cách đây không lâu. Theo các con số thống kê, 63 trong tổng số 152 vụ tấn công khủng bố khắp châu Âu trong năm 2013 là xảy ra ở Pháp.
Trong khi đó, Oa-sinh-tơn cũng không ít lần bày tỏ mối lo ngại các phần tử cực đoan mang hộ chiếu công dân Mỹ sẽ trở thành mối nguy đe dọa nước Mỹ nếu những người này áp dụng các kỹ năng tấn công học được ở nước ngoài để tiến hành các vụ khủng bố trên chính đất Mỹ. Các giới chức an ninh Mỹ còn dự báo bất cứ cuộc tấn công tiềm tàng nào do các phần tử này thực hiện nhiều khả năng sẽ xảy ra trên quy mô nhỏ, như đánh bom tự sát, chứ khó có thể theo một kế hoạch lớn như các vụ tấn công ngày 11-9-2001.
Hàng loạt quan chức và chuyên gia an ninh Mỹ và phương Tây đều cho rằng, việc IS tấn công Mỹ và phương Tây chỉ là vấn đề thời gian bởi tham vọng toàn cầu của tổ chức này. Có ý kiến phân tích nhận định, hành động sát hại nhà báo Giêm Pho-lây chính là hành vi tấn công vào Mỹ và phương Tây./.
MAI NGUYÊN