Thầy giáo Pháp Samuel Paty sau khi thiệt mạng đã được Le Point dành hẳn 3 trang đăng tiểu sử và ca ngợi người giáo viên đã dấn thân cho các giá trị tự do, thế tục và nói về tuổi trẻ của ông ở thành phố Lyon. Trong một bài giảng, ông đã sử dụng tới các bức tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed đăng trên tạp chí biếm họa nổi tiếng của Pháp Charlie Hebdo. Và đây là lý do một kẻ nhập cư Hồi giáo cực đoan gốc Chechnya hạ sát Samuel một cách dã man.
Không ai dám hình dung các thảm kịch liên quan tới việc tòa soạn báo Charlie Hebdo đăng tranh biếm họa đấng tiên tri Mohammed của người Hồi giáo 5 năm về trước lại tái diễn ở thời điểm hiện nay. Nhưng khác ở chỗ, cách thức những kẻ Hồi giáo cực đoan lựa chọn để trả đũa là dùng dao chặt đầu nạn nhân, giống như cách thức những kẻ khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley mà Nhà Trắng coi là “vụ tấn công khủng bố” chống lại nước Mỹ vào năm 2014. Và hiện nay, sau loạt vụ giết người man rợ, Paris cũng buộc phải thừa nhận “nước Pháp bị tấn công” và nâng báo động khủng bố lên mức cao nhất.
Với những gì đang trải qua, có thể thấy “vết thương cũ” của nước Pháp có bóng dáng của sự chia rẽ và xung đột tôn giáo đã thực sự tái phát, nhưng hệ lụy lần này thì rõ ràng hơn. Tờ L’Express thậm chí sau đó còn có hành động “đổ thêm dầu vào lửa” khi đăng lại các bức biếm họa nhà tiên tri Mohammed, trong đó bao gồm hai bức mà thầy Samuel đã cho học sinh xem khi nói về quyền tự do ngôn luận, về tính thế tục. Tờ báo này còn giải thích “việc đăng lại như vậy vào lúc này là cần thiết vì nỗi sợ hãi xuất hiện khắp nơi, nhưng không thể nào để nó chiến thắng chúng ta”.
Nước Pháp của Tổng thống Emmanuel Macron thực sự đang phải đương đầu với thế giới Hồi giáo, sau khi ông tuyên bố tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa ly khai Hồi giáo cực đoan, các cơ sở Hồi giáo cực đoan ở Pháp và ủng hộ việc biếm họa đấng tiên tri Mohammed mà người Hồi giáo cho đây là hành động báng bổ. Ngay cả khi nước Pháp diễn ra biểu tình rầm rộ lên án chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sau cái chết của thầy Samuel Paty và những người biểu tình truyền đi bức thông điệp xoa dịu “Hồi giáo=Hòa bình” và “Người Hồi giáo chống chủ nghĩa khủng bố”, thì sự thật người Pháp bị đe dọa nhiều hơn, vẫn khó thay đổi. Ông Mahathir, cựu Thủ tướng Malaysia, một quốc gia Hồi giáo, đã đăng dòng tweet cho rằng người Hồi giáo có quyền “tức giận và giết chết hàng triệu người Pháp”, nhưng sau đó Twitter đã xóa bài đăng vì vi phạm quy định cấm nội dung kích động bạo lực của mạng xã hội này.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tiên phong trong phong trào phản đối Pháp, kéo theo một loạt phản ứng bất lợi cho Paris ở các nước Hồi giáo. Người Hồi giáo ở một loạt quốc gia như Pakistan, Banglades, Lebanon, Palestine, Ấn Độ... đã biểu tình rầm rộ phản đối Pháp. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khuấy động làn sóng bài Pháp ở khắp nơi trong thế giới Hồi giáo và lời kêu gọi tẩy chay hàng hoá Pháp ít nhiều cũng được hưởng ứng tại một số nước như Jordan, Qatar. Nhật báo Pháp Les Echos của Pháp cũng đã thừa nhận thực tế này.
Nhưng vấn đề không chỉ đơn giản là câu chuyện mâu thuẫn giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng không hẳn là biểu hiện của xung đột giữa các nền văn minh, giữa thế giới phương Tây và thế giới Hồi giáo. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, mâu thuẫn đã bị đẩy đi quá xa tới mức nguy hiểm bởi những toan tính riêng của cả ông Erdogan và Macron, vốn đang nhắm vào vấn đề tôn giáo như một “vũ khí” để đạt mục đích chính trị. Với nhà lãnh đạo Pháp vốn quyết tâm thúc đẩy mục tiêu loại trừ Hồi giáo cực đoan, dường như ông đang nỗ lực chiều lòng một bộ phận cử tri ngày càng thiên hữu, có tư tưởng chống nhập cư và bài xích người theo đạo Hồi. Còn nhớ trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017, dù ông Macron giành thắng lợi chung cuộc, nhưng đối thủ Marine Le Pen, thủ lĩnh cực hữu Mặt trận Pháp đã giành được sự ủng hộ của khoảng 10 triệu cử tri thuộc nhóm này. Bà Marine Le Pen nhiều khả năng sẽ là đối thủ lớn nhất của ông Macron trong cuộc bầu cử năm 2022. Còn với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, một loạt vấn đề nội bộ liên quan tới tín nhiệm cá nhân sụt giảm, nền kinh tế sa sút vì đại dịch Covid-19 và tham vọng được nhìn nhận là tiếng nói có trọng lượng của khối Hồi giáo trước phương Tây..., đủ để ông Erdogan đẩy cao mâu thuẫn với Pháp liên quan tới tôn giáo, nhằm đánh lạc hướng dư luận trong nước.
“Trò chơi mạo hiểm” của hai nhà lãnh đạo này không biết sẽ mang lại những hệ lụy gì tiếp theo. Nhưng rõ ràng hơn lúc nào hết cần có sự kiềm chế và trước tiên, nước Pháp phải tìm cách chấm dứt nỗi ám ảnh mang tên “Charlie Hebdo”. Nếu không, như một nhà phân tích đánh giá, nước Pháp sẽ bị chia rẽ giữa một bên là người Hồi giáo và một bên là người Pháp. Và sự chia rẽ này chính là điều mà các nhóm khủng bố mong muốn.
HẠNH NGUYÊN