Theo UN News, tại phiên thảo luận ngày 14-3 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về tình hình ở Yemen, Đặc phái viên LHQ về Yemen Hans Grundberg đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được thỏa thuận ngừng bắn trên phạm vi toàn quốc cũng như triển khai các giải pháp góp phần cải thiện đời sống của người dân tại đất nước bị xung đột tàn phá này. Ông Grundberg bày tỏ sự thất vọng trước việc không đạt được các cột mốc quan trọng mà người dân Yemen yêu cầu trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, bắt đầu từ ngày 11-3 và kéo dài một tháng. Phát biểu tại phiên thảo luận của HĐBA LHQ, ông Grundberg nêu rõ: “Không gian cho trung gian hòa giải đã trở nên phức tạp hơn mặc dù chúng ta đã nỗ lực tách tiến trình chính trị với những diễn biến trong khu vực kể từ sau khi nổ ra cuộc xung đột ở Gaza. Tôi vẫn phải nhắc lại một điều rằng, những gì xảy ra trong phạm vi khu vực ảnh hưởng tới Yemen và diễn biến ở Yemen cũng có thể tác động đến khu vực”. Ông Grundberg lưu ý, cần phải đạt được lệnh ngừng bắn và khởi động tiến trình chính trị để giải quyết xung đột, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa ra các giải pháp ngoại giao nhằm giải quyết tình trạng hỗn loạn ở khu vực hiện nay và thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Yemen.

leftcenterrightdel

Các cơ sở hạ tầng ở thành phố Taiz, Yemen bị phá hủy trong bối cảnh xung đột kéo dài.Ảnh: wfpusa.org 

Bà Edem Wosornu, Giám đốc điều hành tại Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cũng bày tỏ quan ngại về tình hình ở Yemen. Bà Wosornu cho biết: “Tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng đã gia tăng trong những tháng gần đây gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với cuộc sống và hạnh phúc của hàng triệu người ở Yemen, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em”. Quan chức OCHA kêu gọi các nhà tài trợ tăng cường đóng góp để đáp ứng yêu cầu 230 triệu USD của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) trong 5 tháng tới, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của các giải pháp bền vững để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của nhu cầu nhân đạo ở Yemen. Chia sẻ về những chuyến thăm gần đây tới Yemen, bà Wosornu cho rằng, căng thẳng trong khu vực và các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ có thể tác động đến sinh kế của hàng nghìn người dân ở các cộng đồng ven biển sống dựa vào đánh bắt cá.

Tại phiên thảo luận, đại diện các nước thành viên HĐBA LHQ đã lên tiếng về tình hình Yemen, nhất là diễn biến gần đây trên Biển Đỏ. Đại diện của Mỹ, Anh, Pháp lên án những cuộc tấn công gần đây của Houthi, đồng thời coi lực lượng này là tác nhân duy nhất làm leo thang căng thẳng, đe dọa thương mại hàng hải quốc tế.

Houthi đã liên tục tấn công các tàu tại Biển Đỏ kể từ giữa tháng 11-2023 nhằm phản đối chiến dịch quân sự của Israel tại dải Gaza. Chính phủ Yemen khẳng định những cuộc tấn công này không thể giúp ích cho người dân Palestine mà còn gây tổn hại cho người Yemen. Kể từ đầu năm nay, Mỹ và Anh đã tiến hành hàng chục cuộc không kích vào các cơ sở của Houthi ở Yemen nhằm ngăn chặn lực lượng này tiếp diễn hành động tấn công trên Biển Đỏ. 

Yemen chìm trong bất ổn từ năm 2014 khi Houthi chiếm giữ thủ đô Sanaa và phần lớn khu vực miền Bắc Yemen, buộc Chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen phải lưu vong tại Saudi Arabia. Năm 2015, liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp nhằm khôi phục quyền lực của chính phủ được quốc tế công nhận ở Yemen. Dù vậy, hiện Houthi vẫn đang kiểm soát phần lớn miền Bắc Yemen.

Xung đột và cả những nguyên nhân liên quan tới xung đột, trong đó có thiếu lương thực, đã cướp đi mạng sống của hàng trăm nghìn người Yemen. LHQ đánh giá tình hình ở Yemen là một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới với hàng triệu dân thường cần được hỗ trợ khẩn cấp. Ước tính khoảng 17,6 triệu người dân nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng trong năm 2024. 

LÂM ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.