QĐND - Trận động đất vừa qua tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã gợi lại những cơn địa chấn kinh hoàng xét cả về cường độ và mức độ hủy diệt mà thế giới phải chứng kiến trong vòng hơn chục năm qua. Thế kỷ 21 đã và đang phải đối mặt với những trận động đất được coi là tồi tệ nhất trong lịch sử loài người...
Ấn Độ Dương (2004)
Ngày 26-12-2004, một trận động đất ước tính 9,2 độ rích-te đã khiến đáy biển Ấn Độ Dương rung chuyển. Với tâm chấn ở khu vực ngoài khơi bờ biển Xu-ma-tra (Sumatra) của In-đô-nê-xi-a, trận động đất đã tạo ra cơn sóng thần khủng khiếp với những cột sóng cao gần 15m, gây ảnh hưởng nặng nề tới nhiều nước như: In-đô-nê-xi-a, Xri Lan-ca, Ấn Độ, Thái Lan… Hơn 230.000 người đã thiệt mạng, nhiều người khác bị thương nặng. Đây được coi là một trong hai trận động đất tồi tệ nhất thế kỷ 21 và đứng thứ 5 trong số các trận động đất kinh hoàng nhất lịch sử thế giới.
 |
Vùng Đông Bắc Nhật Bản tan hoang sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011. Ảnh: The Telegraph
|
 |
Người dân ở Port-au-Prince (Ha-i-ti) tìm kiếm đồ ăn còn sót lại trong một siêu thị bị sụp đổ vì trận động đất năm 2010. Ảnh: CNN
|
Ca-sơ-mia (2005)
Chưa đầy một năm sau đó, vào ngày 8-10-2005, một trận động đất khủng khiếp không kém đã xảy ra tại khu vực tranh chấp Ca-sơ-mia (Kashmir) giữa Ấn Độ và Pa-ki-xtan. Cơn địa chấn với cường độ 7,6 Rích-te này đã cướp đi gần 80.000 sinh mạng, khiến 106.000 người bị thương và hàng triệu người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Công tác cứu hộ khi ấy cũng gặp vô vàn khó khăn do nơi xảy ra động đất là vùng núi xa xôi, hiểm trở.
Tứ Xuyên (2008)
Tiếp đến, vào năm 2008, cả thế giới lại bàng hoàng khi nghe tin về trận động đất ở Tứ Xuyên (Trung Quốc). Ước tính 10 triệu người đã bị mất nhà cửa, hàng triệu công trình bị phá hủy sau thảm họa này. Trong số những người thiệt mạng có tới gần 10.000 trẻ em, hầu hết đều bị chết trong các ngôi trường bị sụp đổ. Đó cũng là nguyên nhân khiến Chính phủ Trung Quốc sau đó phải tiến hành một cuộc điều tra bất thường và phát hiện, khoảng 20% các trường tiểu học tại quốc gia đông dân nhất thế giới ở trong tình trạng không an toàn khi xảy ra thảm họa.
Ha-i-ti (2010)
Cùng với trận động đất ở Ấn Độ Dương năm 2004, cơn địa chấn mạnh 7 độ rích-te xảy ra tại Ha-i-ti vào ngày 12-1-2010 được coi là một trong hai trận động đất tồi tệ nhất của thế kỷ 21 tính đến thời điểm này. Với tâm chấn nằm cách thủ đô Port-au-Prince khoảng 25km, trận động đất lớn chưa từng thấy tại Ha-i-ti trong suốt hơn 200 năm qua đã làm toàn bộ đảo quốc nằm trên vùng biển Ca-ri-bê này rung chuyển, nhiều tòa nhà sụp đổ, trong đó có cả Dinh Tổng thống. Ngoài ra còn có hơn 50 dư chấn được ghi nhận trong những ngày sau đó. Thống kê cho thấy, trận động đất lịch sử này đã cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 người và khiến khoảng 3 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó có 1,5 triệu người bị mất nhà cửa.
Nhật Bản (2011)
Trưa 11-3-2011, một trận động đất mạnh 9 độ rích-te xảy ra ngoài khơi phía Đông Bắc Nhật Bản, kéo theo một cơn sóng thần khổng lồ ào ạt tiến vào bờ. Ba tỉnh phía Đông Bắc Nhật Bản gần như bị những con sóng nuốt gọn, nhiều tỉnh lân cận cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khoảnh khắc, hơn 20.000 người đã chết hoặc mất tích. Thảm họa kép động đất và sóng thần năm 2011 còn gây nổ tại các lò phản ứng của Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma I (Fukushima I), tạo nên cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất trên thế giới kể từ năm 1986. Đến nay, dù công cuộc tái thiết tại khu vực Đông Bắc Nhật Bản đã có những tiến triển đáng kinh ngạc, song thảm họa này vẫn để lại nỗi ám ảnh dai dẳng không chỉ với nước Nhật mà còn cả thế giới.
Vân Nam (2014)
Gần đây nhất là trận động đất 6,5 độ rích-te tại tỉnh Vân Nam của Trung Quốc vào ngày 3-8-2014. Đây được coi trận động đất mạnh nhất tại Vân Nam trong 14 năm qua, khiến ít nhất 398 người thiệt mạng và 1.800 người bị thương. Động đất còn ảnh hưởng tới khoảng 1,08 triệu người dân khác, làm gần 80.000 ngôi nhà bị sập và 124.000 ngôi nhà khác bị hư hỏng nặng. Cơ quan chức năng cho biết, đã có tổng cộng hơn 400 dư chấn.
Trang Discovery News dẫn lời các nhà địa chấn học thuộc Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, ước tính trong thế kỷ 21, thế giới sẽ phải đối mặt với tổng cộng 25 trận động đất. Số người thiệt mạng cũng sẽ tăng cao, khoảng từ 2,6 đến 3,1 triệu người. Để giảm thiểu số người tử vong vì động đất, các nhà địa chấn học cho rằng, cần phải xây thêm nhiều tòa nhà có khả năng chống động đất tại các khu vực nguy hiểm trên thế giới. Tuy nhiên, để làm được điều này lại không hề đơn giản, đặc biệt đối với các nước kém phát triển.
TRUNG DŨNG