Mù chữ - hậu quả của một thời “trọng nam khinh nữ”

“Tôi luôn cảm thấy tự ti khi không biết chữ”, cụ Nam Yang-soon, 84 tuổi nói. Cụ là một trong số học sinh lớn tuổi đang theo học lớp hai ở trường tiểu học Woldeung ở Suncheon, tỉnh Nam Jeolla. Theo cụ Nam Yang-soon, toán là môn học mà cụ yêu thích nhất. “Tôi thích làm phép tính cộng, trừ. Tôi chỉ mong có sức khỏe để đến trường”, cụ Nam Yang-soon chia sẻ.

Theo báo chí địa phương, xã hội Hàn Quốc từng có thời kỳ gia trưởng, “trọng nam khinh nữ” trong nhiều thế kỷ. Sở thích muốn có con trai để nối dõi tông đường đã khắc sâu trong tâm trí nhiều thế hệ ở Hàn Quốc, buộc các bác sĩ không được phép tiết lộ giới tính của thai nhi cho cha mẹ. Cho đến những năm 1960, không có gì đáng ngạc nhiên khi trẻ em gái không đến trường, đặc biệt là ở nông thôn. Một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2017 cho thấy, 67% người Hàn Quốc trên 80 tuổi không biết đọc và viết, trong đó tỷ lệ phụ nữ mù chữ cao hơn nhiều so với ở nam giới.

Lớp học ở trường tiểu học Woldeung giữa học sinh nhiều tuổi và học sinh nhỏ tuổi. (ảnh: capital.fr)

“Bà tôi từng nói với tôi rằng, phụ nữ có kiến thức luôn luôn nổi loạn. Vì vậy bà cấm tôi đi học", bà Jang Seon-ja, 75 tuổi, người đang tham gia một lớp học viết ở Suncheon, cách thủ đô Seoul 320km về phía Đông Nam, cho biết.

Trong khi đó, bà Park Young-ae, 70 tuổi, bạn cùng lớp với bà Nam Yang-soon kể lại rằng: “Ông tôi luôn nói những cô gái như tôi không phải đến trường. Tôi luôn tiếc vì hồi trẻ chưa bao giờ được đặt chân đến lớp học”. Bà Park Young-ae cho hay, hiện bà đang sống "những khoảnh khắc đẹp nhất" trong cuộc đời cùng với bốn người bạn cùng lớp. Trong lớp học của những người già lại có một người rất trẻ, đó là cậu bé Kim Seung-hyun, 8 tuổi. Cậu bé cho biết, cậu sẽ đồng hành với các cụ cho đến hết tiểu học, và thậm chí xa hơn. "Cháu sẽ buồn nếu các cụ không đến trường”, Kim Seung-hyun cho hay.

Vào mỗi buổi sáng, những cụ bà hiếu học này đi bộ qua những cánh đồng ở tỉnh Nam Jeolla, nằm ở cuối bán đảo Triều Tiên để đến trường. Ở lớp, họ được học hát, học đọc, học toán và viết chữ. Niềm vui được đi học khiến tuổi già của họ trở nên ý nghĩa hơn.

Nỗi lo dân số già

Lớp học của các cụ bà ở tỉnh Nam Jeolla lại là sự tương phản nổi bật với tình hình hiện tại ở các thành phố lớn của Hàn Quốc, nơi giáo dục là một trong những ưu tiên của các gia đình và nơi sinh viên học tập không mệt mỏi, kể cả sau giờ học, để có được sự nghiệp tốt nhất.

Sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), nền kinh tế của Hàn Quốc bùng nổ đưa quốc gia này lên vị trí thứ 11 trên thế giới. Tuy nhiên, đi kèm với đó là cuộc di cư nông thôn kéo dài cho đến tận ngày nay. Theo thống kê, trong 30 năm qua, dân số của các gia đình nông thôn đã giảm gần 70%. Đồng thời, xã hội siêu cạnh tranh của Hàn Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học rất nghiêm trọng khi nhiều người Hàn Quốc trong độ tuổi sinh đẻ lựa chọn không sinh con. Nếu năm 1970, tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc là 4,53 thì nay ở mức rất thấp, dưới 1,00 vào năm ngoái. Đây là một trong những tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới hiện nay. Thống kê cũng chỉ rõ, hiện tại dân số ở xứ sở Kim chi vào khoảng 51 triệu người và dự kiến con số này sẽ giảm xuống còn 39 triệu vào năm 2067. “Hàn Quốc đang trải qua một quá trình lão hóa với tốc độ chưa từng thấy”, chuyên gia Cho Sung-ho thuộc Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc cho biết. Ông Cho nói thêm rằng, “thật khó để thích ứng với sự suy giảm này”.

Trở lại trường tiểu học Woldeung, đây là ngôi trường từng có số lượng học sinh đông nhất, với 1.200 học sinh vào năm 1968. Nhưng đến nay, trường chỉ còn có 29 học sinh. Năm ngoái, trường đã sát nhập lớp 1 và lớp 2 lại thành một lớp do số học sinh quá ít. Trước thực trạng này, ban giám hiệu nhà trường quyết định mở lớp học cho những người chưa bao giờ ngồi trên ghế nhà trường. Ngoài trường tiểu học Woldeung, còn có hai trường học khác ở tỉnh Nam Jeolla cũng mở cửa đón nhận những học viên cao tuổi hiếu học. Chính quyền tỉnh Nam Jeolla từ chối tiết lộ số lượng người cao tuổi theo học với lý do đây là vấn đề “nhạy cảm”. 

Giáo viên Choi Young-sun, 43 tuổi, cho biết, ban đầu cô rất lo lắng, nhưng cuối cùng những người phụ nữ lớn tuổi này có ảnh hưởng tích cực đến lớp học. “Học sinh lớn tuổi luôn cư xử trưởng thành và tôn trọng cô giáo hơn những học sinh nhỏ tuổi”, cô Choi Young-sun nói.

PHƯƠNG LINH (theo actu.orange.fr)