Nữ du kích Vasilisa Kozhina

“Cô ấy là một phụ nữ có vóc dáng khỏe khoắn và sức mạnh thể chất tuyệt vời. Cô có khuôn mặt xinh đẹp, nhưng tính cách lại can đảm và quyết đoán…”. Đây là cách mà những người đương thời nói về một trong những người anh hùng nổi tiếng nhất trong Chiến tranh Vệ quốc của Nga năm 1812, nữ du kích Vasilisa Kozhina.

Vasilisa khi đó 35 tuổi, là mẹ của 5 đứa con, lần đầu tiên chứng kiến nỗi kinh hoàng của chiến tranh vào giữa tháng 8-1812, khi quân đội của hoàng đế Pháp Napoleon đến cướp bóc tại ngôi làng quê hương cô ở tỉnh Smolensk rồi giết chết chồng cô, trưởng thôn Maxim Kozhin.

leftcenterrightdel
Nữ du kích Vasilisa Kozhina. 

Người Pháp quay trở lại sau đó 9 ngày, ngay trong ngày giỗ chồng cô. Vasilisa Kozhina, người được cư dân trong làng bầu làm trưởng thôn thay chồng, đã chào đón những người lính Pháp một cách niềm nở và hiếu khách, mời họ vào bàn ăn trong căn nhà gỗ. Khi quân lính chếnh choáng men say, cô đã ra lệnh khóa chặt cửa sổ và cửa ra vào rồi thiêu sống kẻ thù.

Dưới sự lãnh đạo của Vasilisa Kozhina, biệt đội du kích đã trừng trị những tên lính giặc bi tụt lại phía sau và những kẻ trộm cướp. Trong khi quân sĩ của Vasilisa nhanh chóng đổi rìu sang kiếm, giáo mác và súng, thì cô vẫn tiếp tục chiến đấu bằng một cây chĩa ba, loại vũ khí “mạnh đến nỗi chỉ bằng một cú đánh cũng có thể hạ gục một con ngựa”.

Sau khi chiến tranh kết thúc, thông tin về Vasilisa Kozhina không còn được biết đến nữa. Theo nguồn tin xác thực nhất, cô đã trở về ngôi làng quê hương mình và qua đời tại đây vào khoảng năm 1840.

Trung tá Denis Davydov

Khi quân đội Napoleon tiến hành xâm lược nước Nga, Trung tá Denis Davydov là chỉ huy Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn kỵ binh Akhtyr. Tháng 8-1812, ông đệ trình chỉ huy Tập đoàn quân số 2 Phía Tây Pyotr Bagration bản dự thảo chiến tranh du kích trong hậu phương quân Pháp và lập tức nhận được sự đồng ý hoàn toàn.

Davydov không phải là người đầu tiên và tuyệt nhiên cũng không phải là chỉ huy duy nhất của biệt đội du kích lưu động trong Chiến tranh Vệ quốc của Nga năm 1812. Tuy nhiên, chính nhờ ông mà chiến tranh du kích được biết đến rộng rãi và phổ biến, trong khi kinh nghiệm của cuộc chiến này đã được ghi chép và nghiên cứu cẩn thận.

leftcenterrightdel
Trung tá Denis Davydov 

Nếu Vasilisa Kozhina là đại diện của phong trào du kích nhân dân tự phát, thì Denis Davydov lại thuộc về phong trào của quân đội. Trong cuộc đột kích đầu tiên của mình, ông đã tuyển chọn 50 kỵ binh và 80 chiến binh Cossack từ các đơn vị chính quy. Về sau, số lượng thành viên biệt đội của ông tăng lên 300 người.

Vì những người nông dân thường nhầm lẫn quân phục của kỵ binh Nga với quân Pháp, cũng như nhầm biệt đội của Davydov với lực lượng của kẻ địch, nên ông đã quyết định thay đổi hoàn toàn hình ảnh của mình. Theo đó, ông đổi sang mặc áo caftan của người Cossack và để râu.

Vào giữa tháng 9-1812, khi quân đội Napoleon đang chuẩn bị tiến vào Moscow, Davydov đã đánh tan một đội quân lớn của Pháp ở hậu phương tại khu vực làng Tsarevo-Zaymishche.

Ngày 7-11 năm đó, biệt đội của Denis Davydov cùng với các biệt đội lưu động khác đã đánh bại Lữ đoàn của tướng Pháp Jean-Pierre Augereau trong một trận chiến gần làng Lyakhovo. Bản thân viên chỉ huy cùng 1.500 binh lính của ông ta đã bị phía Nga bắt làm tù binh. “Chiến thắng này càng trở nên nổi tiếng hơn, bởi lần đầu tiên khi tiếp tục chiến dịch này, quân đoàn của kẻ địch đã hạ vũ khí đầu hàng chúng ta”, Nguyên soái Mikhail Kutuzov, Tổng tư lệnh quân đội Nga, nói về thắng lợi này.

Với việc vượt qua biên giới của Đế quốc Nga vào tháng 1-1813 và bắt đầu chiến dịch ở nước ngoài của quân đội Nga, các cuộc đột kích kỵ binh thần tốc của Davydov vào hậu phương kẻ địch đã kết thúc hoàn toàn. Ông chuyển sang hành động nhiều hơn cùng với quân chủ lực khi làm quân tiên phong.  

Sau khi kết thúc chiến tranh chống quân đội Napoleon, Denis Davydov tiếp tục phục vụ trong quân đội thêm gần 20 năm. Ngoài con đường binh nghiệp, ông còn có niềm đam mê lớn với văn thơ và đi vào lịch sử như là “nhà thơ du kích”.

Biệt kích Konstantin Chekhovich

Đúng 8 giờ tối ngày 13-11-1943, một tiếng nổ lớn vang lên trong tòa nhà của rạp chiếu phim ở thành phố Porkhov thuộc tỉnh Pskov, làm thiệt mạng hơn 700 binh lính, 40 sĩ quan và 2 tướng Đức Quốc xã. Người tổ chức và thực hiện vụ nổ này là Konstantin Chekhovich, người quản lý rạp chiếu phim và cũng là chiến sĩ năng nổ của Lữ đoàn du kích số 7 Leningrad.

Ngay đầu cuộc chiến, chỉ huy Trung đội đặc công Konstantin Chekhovich được cử đến Leningrad (nay là Saint-Petersburg), nơi anh tiến hành các hoạt động biệt kích. Tại đây, anh bị quân Đức bắt làm tù binh, nhưng 2 tuần sau đó đã vượt ngục chạy thoát. Sau đó, Konstantin Chekhovich đã gia nhập phong trào du kích.

leftcenterrightdel
Biệt kích Konstantin Chekhovich 

Để phát huy hết các kỹ năng chuyên môn của Chekhovich, Ban chỉ huy của Lữ đoàn du kích số 7 Leningrad đã điều anh đến thành phố Porkhov, nơi anh sẽ tiến hành một vụ phá hoại lớn chống lại kẻ địch. 

Konstantin Chekhovich đã mất 2 năm để giành được sự tin tưởng của người Đức. Anh lập gia đình, làm thợ sửa chữa đồng hồ và sau đó là thợ điện tại một nhà máy điện địa phương. Từ một người thợ cơ khí trong rạp chiếu phim, về sau anh đã lên giữ chức quản lý tại đây.

Chính rạp chiếu phim Porkhov đã được Ban chỉ huy Lữ đoàn du kích chọn làm mục tiêu chính cho cuộc phá hoại. Trong khi các binh sĩ Đức đang tụ tập ở tầng một để xem phim, thì tầng thứ hai là nơi đặt bộ phận của Cơ quan an ninh. Sử dụng những chiếc túi quần áo và một túi đồ ăn trưa nhỏ, Chekhovich chuyển dần 65kg thuốc nổ TNT đến rạp chiếu phim, sau đó khéo léo xếp đặt chúng xung quanh tòa nhà và điều chỉnh đồng hồ hẹn giờ. Em gái của vợ anh là Evgenya Mikhailova, người làm công việc quét dọn tại đây, đã hỗ trợ anh rất nhiều trong việc này.

Người lính biệt kích đã tính toán mọi thứ một cách chính xác. Theo đó, vụ nổ sẽ diễn ra đúng giờ và tòa nhà rạp chiếu phim sẽ chôn vùi những tên lính Đức dưới đống đổ nát. Vào lúc này, cả Chekhovich và người thân của anh đều không có mặt trong thành phố.

Với việc hoàn thành nhiệm vụ, Konstantin Chekhovich đã được đề xuất trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Tuy nhiên, việc này đã không diễn ra do anh trước đó từng có 2 tuần bị quân Đức bắt làm tù binh. Mãi đến năm 2013, một tấm bia đã được dựng ở thành phố Porkhov để tưởng nhớ người lính du kích này.

Chỉ huy quân du kích Sidor Kovpak

Khi quân đội Đức Quốc xã tấn công xâm lược Liên Xô năm 1941, Sidor Kovpak đã 55 tuổi. Lần cuối cùng ông cầm vũ khí là trong cuộc nội chiến Nga, còn những năm sau đó ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dân sự. Tuy nhiên, điều này không thể ngăn ông trở thành một trong những chỉ huy quân du kích hiệu quả nhất của Liên Xô, cũng như là người tổ chức chính của phong trào du kích ở Ukraine trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

leftcenterrightdel
 Chỉ huy quân du kích Sidor Kovpak

Tháng 9-1941, Kovpak dẫn đầu biệt đội du kích chỉ hơn 10 người ẩn náu trong rừng Spadshchansky gần thành phố Putivl ở phía đông bắc Ukraine. “Căn hầm đầu tiên của chúng tôi được xây dựng ở một nơi hoang sơ đến nỗi, nếu bạn di chuyển ra xa nó vài chục bước, thì có thể bạn sẽ không tìm thấy nó nữa. Hãy ngồi yên, và sẽ không có một con chó săn nào của quân Đức nào đánh hơi được bạn trong căn hầm này. Nhưng chúng tôi đến khu rừng hoàn toàn không phải để trốn quân Đức, mà là để tiêu diệt chúng, không cho chúng một giây phút bình yên, không cho chúng thống trị khu vực của chúng tôi. Chúng tôi là những chủ nhân ở đây và phải tiếp tục là những chủ nhân”, ông viết trong cuốn hồi ký “Từ Putivl đến Karpat”.

Chỉ trong nửa năm, biệt đội Putivl của Kovpak đã phát triển thành Binh đoàn du kích Sumy với số lượng lên tới 1.500 chiến sĩ. Những du kích quân dưới sự lãnh đạo của ông đã thực hiện các cuộc đột kích táo bạo vào hậu phương của quân Đức, đồng thời khéo léo thoát ra khỏi những cái bẫy khó khăn nhất do kẻ địch tạo ra nhằm vào họ.

Mùa hè năm 1943, Binh đoàn của Kovpak nhận được chỉ thị thực hiện một cuộc đột kích quy mô lớn ở miền Tây Ukraine, mà sau này được gọi là “cuộc đột kích Karpat”. Trong vòng 3 tháng, những du kích quân đã vượt qua quãng đường 2.000km trong hậu phương kẻ địch, đánh tan 17 doanh trai của quân Đức, làm trật đường ray 19 đoàn tàu, phá hủy 51 nhà kho và 52 cây cầu, đồng thời đánh sập một số nhà máy điện và mỏ dầu.

“Sự xuất hiện của chúng tôi trên những con đường dẫn tới Dnister đã gây bất ngờ cho quân Đức, đến nỗi chúng nhầm quân du kích với lính dù đổ bộ. Những đội hiến binh phát xít bắt đầu chạy ô tô tán loạn trên các con đường. Có một đội trong số đó đã gặp phải chúng tôi ở gần thành phố Skalat.

Chúng tôi dừng lại đây một ngày, ở ngoài bìa rừng. Cho rằng, một đội nhỏ lính dù Liên Xô đang ở phía trước mình, nên hiến binh Đức với khoảng 2.000 tên đã triển khai quân và tiến hành một cuộc tấn công tâm lý vào Binh đoàn du kích. Chúng tôi để cho những tên này tới gần đến nỗi nhìn thấy nét mặt chúng thay đổi nhanh chóng như thế nào, khi cả bìa rừng bỗng nhiên như nổi lên một trận tuyết lở của quân du kích xông lên nghênh chiến kẻ thù... Quân hiến binh đã bị thổi bay như một cơn gió”, Sidor Kovpak nhớ lại.

Cuối năm 1943, vì lý do bệnh tật nên Sidor Kovpak đã trao quyền chỉ huy cho đội phó Petra Vershigora và lên đường đến khu vực do Hồng quân Liên Xô kiểm soát. Để vinh danh người chỉ huy cũ của mình, Binh đoàn du kích Sumy sau đó không lâu đã được đổi tên thành Sư đoàn du kích số 1 Ukraine mang tên người hai lần Anh hùng Liên Xô Sidor Kovpak.

QUỐC KHÁNH (theo RBTH)