QĐND - Bên cạnh những căng thẳng thường thấy do vấn đề chủ quyền lãnh thổ và lịch sử còn tồn tại giữa các quốc gia, khu vực Đông Bắc Á đã chứng kiến những chuyển động ngoại giao đầy bất ngờ trong năm 2014.

Quan hệ Trung-Nhật mở đầu năm 2014 bằng những “đợt sóng căng thẳng” ở vùng biển Hoa Đông, nơi có quần đảo tranh chấp Xên-ca-cư/Điếu Ngư giữa hai nước. Khi ấy, ít ai có thể tưởng tượng ra rằng, lãnh đạo hai nước có thể đứng cạnh nhau chụp ảnh tại một diễn đàn quốc tế. Nhưng điều đó lại bất ngờ diễn ra khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê (Shinzo Abe) gặp nhau ở Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào ngày 11-11. Dù cái bắt tay tại APEC-22 ở Bắc Kinh không thể gọi là “nồng ấm”, nhưng ít nhiều cũng chứng tỏ cả Trung Quốc và Nhật Bản đã nhận thấy sự cần thiết phải xoa dịu bất đồng sau gần hai năm ngoại giao băng giá.

Sau cuộc gặp nói trên, có thể sắp tới, ngành ngoại giao của cả Trung Quốc và Nhật Bản sẽ bận rộn hơn với các đoàn khách thăm viếng lẫn nhau. Đó cũng có thể là bước quan trọng đầu tiên để hai nền kinh tế hàng đầu khu vực phá vỡ tảng băng chắn ngang mối quan hệ, hướng tới xây dựng những cơ chế làm giảm xung đột quân sự ở biển Hoa Đông. Nhưng điều đó xem ra vẫn xa vời cho dù những lợi ích về kinh tế đã bị tổn hại không ít. Căng thẳng liên quan đến chủ quyền lãnh thổ thời gian qua đã ảnh hưởng nặng nề đến trao đổi thương mại Trung-Nhật, bóp nghẹt sức sống đầu tư từ hai nước. Trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản thừa nhận kinh tế nước này đang suy thoái, còn kinh tế Trung Quốc được dự đoán chỉ đạt mức tăng trưởng 7,4% trong năm 2014-mức tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990- thì cuộc gặp ở Bắc Kinh, dù là “bằng mặt không bằng lòng”, vẫn là cần thiết. Nó cũng cho thấy hai “kình địch” này vẫn bị ràng buộc bởi sợi dây kinh tế.

Đó là câu chuyện của riêng Trung Quốc và Nhật Bản, còn quan hệ giữa hai quốc gia này với các nước khác trong khu vực thì sao?

Sự quan tâm của Trung Quốc đối với bán đảo Triều Tiên được thể hiện rõ nét bằng chuyến thăm Hàn Quốc của ông Tập Cận Bình trong hai ngày 3 và 4-7. Với thỏa thuận đồng uôn Hàn Quốc sẽ trao đổi trực tiếp với đồng nhân dân tệ, đồng tiền Trung Quốc đã trở thành đơn vị tiền tệ thứ hai sau đô-la Mỹ có thể trao đổi trực tiếp với đồng uôn. Đổi lại, Trung Quốc sẽ ưu đãi để Hàn Quốc đầu tư hàng tỷ đô-la vào trái phiếu và cổ phiếu trong thị trường tài chính nước này. Đặc biệt, hai nước đã cùng nhấn mạnh mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, phản đối dứt khoát đối với bất kỳ vụ thử hạt nhân nào trong tương lai của Bình Nhưỡng. Nên nhớ rằng, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình cũng đánh dấu lần đầu tiên trong hai thập kỷ, một Chủ tịch nước của Trung Quốc đến Hàn Quốc mà “không dừng chân ở Triều Tiên”.

Trong khi đó, Nhật Bản và Triều Tiên cũng có dấu hiệu “xích lại” gần nhau với việc hai nước nhất trí đàm phán giải quyết các vụ bắt cóc công dân Nhật Bản trong quá khứ. Hành động đổi lấy hành động, Tô-ki-ô cũng gật đầu nới lỏng một số biện pháp cấm vận và cam kết nối lại viện trợ nhân đạo cho Bình Nhưỡng.

Thế nhưng, những thay đổi nói trên có lẽ chỉ mang tính thời điểm, bởi xét cho cùng, trật tự quan hệ ngoại giao ở Đông Bắc Á vẫn chưa hề đảo chiều. Dường như, các quốc gia trong khu vực đều đang nỗ lực thực hiện chính sách “cân bằng ngoại giao”, nói cách khác là cân bằng các mối quan hệ với các đối tác cụ thể để hướng tới những lợi ích kinh tế. Đằng sau sự nhũn nhặn vẫn là những nguyên tắc khó thay đổi trong quan hệ, dựa trên tính toán tối đa hóa lợi ích quốc gia.

Bởi, việc Trung Quốc từ bỏ ảnh hưởng với Triều Tiên là điều khó xảy ra. Tương tự, dù Nhật Bản nới lỏng lệnh trừng phạt với Triều Tiên để đổi lấy thành công đàm phán về vấn đề công dân nước này bị bắt cóc trong quá khứ, quan hệ tổng thể giữa Tô-ki-ô và Bình Nhưỡng chưa thể gọi là xoay theo chiều hướng tích cực. Về phần mình, những lợi ích kinh tế phát sinh mà Triều Tiên có được nhờ thoát khỏi một số biện pháp trừng phạt từ Nhật Bản cũng chẳng thể khiến nước này quên đi “quan hệ truyền thống” với Trung Quốc.

Bức tranh chính trị ở Đông Bắc Á chuyển biến mạnh mẽ một phần là sự thay đổi trong hệ thống lãnh đạo ở một số quốc gia trong khu vực. Những thay đổi ấy đã giúp Đông Bắc Á có một năm tạm gọi là yên ả hơn trước, nhưng về lâu dài, các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế chồng chéo có thể sẽ cản trở các quốc gia đạt được sự đồng thuận để cùng nhau giải quyết các vấn đề nóng của khu vực.

Nói vậy để thấy, những tranh chấp Trung Quốc-Nhật Bản liên quan đến quần đảo Xên-ca-cư/Điếu Ngư, giữa Nhật Bản-Hàn Quốc về quần đảo Đốc-đô/Ta-kê-si-ma, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hay quan hệ liên Triều mới chỉ tạm thời được gác lại và sẽ tiếp tục là những vấn đề chủ chốt chi phối tình hình an ninh, chính trị và ngoại giao của khu vực trong năm tới.

ANH VŨ