Trung tâm Gamaleya được biết tới là đơn vị nghiên cứu y sinh lâu đời và có truyền thống của Nga. Sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và các nghiên cứu thực nghiệm trong hàng thập kỷ chính là “chìa khóa” giúp trung tâm nghiên cứu y sinh của Nga có thể sớm cho ra đời vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên trên thế giới.

Đơn vị y sinh tiên phong ra đời từ thế kỷ 18

Tiền thân của Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ, Vi sinh Quốc gia LB Nga Gamaleya là một phòng thí nghiệm tư nhân do nhà khoa học dịch tễ người Nga F.M. Blyumental thành lập năm 1981. Trong quá trình phát triển Trung tâm y sinh này đã được quốc hữu hóa dưới thời Liên bang Xô Viết và nhiều lần đổi tên. Tên gọi hiện nay được định hình từ năm 2001 để vinh danh Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm khoa học Nga N. F. Gamaleya.

Theo hãng thông tấn RIAN, Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ, Vi sinh Quốc gia LB Nga Gamaleya gắn liền với nhiều trường phái nghiên cứu khoa học, thành tựu nghiên cứu được công nhận và các nhà khoa học nổi tiếng không chỉ tại Liên Xô, Nga, mà còn ở tầm thế giới.

Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ, Vi sinh Quốc gia LB Nga Gamaleya là một trong những trung tâm đầu ngành nghiên cứu y sinh tại Nga. Ảnh: TASS.

Dù thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, nhưng nhiệm vụ chính của trung tâm là nghiên cứu dịch tễ học, các chủng loại virus, vi khuẩn gây bệnh ở cấp độ phân tử, cũng như miễn dịch. Với bề dày lịch sử và những thành tích đạt được trong quá khứ, trung tâm được coi là một những đơn vị cơ sở của Hội đồng khoa học Viện Hàn lâm Y tế LB Nga và cơ sở của Bộ Y tế Nga chuyên về vi sinh học. Ngoài cơ sở chính nằm ở Moscow, Trung tâm Gamaleya còn 9 phân viện nghiên cứu về nhiều chủng virus, vi khuẩn khác nhau. Chúng đều là những đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu tại Nga.

Không chỉ đóng vai trò nghiên cứu và phát triển công nghệ y sinh học, Trung tâm Gamaleya còn là nơi đào tạo các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y sinh. Trung bình mỗi năm, Trung tâm Gamaleya là nơi đào tạo, nghiên cứu và thực hành của hàng chục nghiên cứu sinh học vị thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành y sinh.

Theo đánh giá của giới khoa học Nga, Trung tâm Gamaleya sở hữu khối lượng tri thức đồ sộ về các lĩnh vực y sinh cả về tài liệu học thuật, cũng như những chuyên gia hàng đầu làm làm việc tại đây. Trung tâm Gamaleya hiện có tới 3 viện sĩ khoa học y khoa hàn lâm của Nga, 34 giáo sư, 73 tiến sĩ và khoảng 161 nghiên cứu sinh các chuyên ngành khác nhau.

Đội ngũ các nhà khoa học chuyên sâu này đã có hàng nghìn bài viết, tài liệu chuyên khảo được xuất bản tại Nga và trên nhiều tạp chí y khoa hàng đầu thế giới. Chỉ tính riêng trong 5 năm (1999-2006), Trung tâm Gamaleya đã công bố 28 cuốn sách chuyên khảo, 1.873 báo cáo khoa học, trong đó có 332 báo cáo được xuất bản trên các tạp chí y khoa uy tín ở ngoài nước Nga.

Những yếu tố trên chính là nền tảng để Trung tâm Gamaleya có thể nhanh chóng phát triển thành công vắc xin phòng Covid-19 nhanh nhất có thể.

Phát triển vắc xin phòng Covid-19 chỉ mất… 14 ngày

Từ các thông tin được công khai, Trung tâm Gamaleya bắt đầu phát triển vắc xin phòng Covid-19 (sau này có tên gọi chính thức là Sputnik V) từ đầu tháng 2-2020. Trong quá trình phát triển vắc xin, nhóm nghiên cứu đặc biệt do Phó giám đốc Trung tâm Gamaleya, Denis Logunov đứng đầu đã phát hiện ra sự nguy hiểm của dịch Covid-19, nhưng đã nhanh chóng tìm ra cách phát triển vắc xin nhờ kho dữ liệu khổng lồ lưu trữ về chủng virus này tại trung tâm

Trong bài trả lời phỏng vấn Tạp chí Meduza, ông Denis Logunov cho biết, quá trình phát triển vắc xin ngừa Covid-19 mới chỉ mất có 14 ngày. Đây là thời gian rất ngắn so với quá trình phát triển vắc xin ngăn ngừa bệnh cúm MERS do một chủng virus Corona khác gây ra kéo dài tới 3 năm. Tuy nhiên, những nghiên cứu về virus Corona khi phát triển vắc xin ngừa bệnh cúm MERS đã giúp ích rất nhiều cho quá trình phát triển vắc xin Sputnik V.

Vắc xin Sputnik V là thành tựu đáng chú ý của Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ, Vi sinh Quốc gia LB Nga Gamaleya. Ảnh: Izvestia.ru

“Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi phát hiện hai chủng virus có nhiều tương đồng giúp thời gian và tiến độ phát triển vắc xin ngừa Covid-19 được đẩy nhanh một cách đáng kinh ngạc”, ông Denis Logunov nói.

Theo lời ông Denis Logunov, virus mang DNA của Covid-19 làm yếu được đưa vào cơ thể sống giúp nảy sinh phản ứng tạo ra miễn dịch. Các thử nghiệm đã rất thành công.

Cùng với đó, để nhanh chóng phát triển và cho ra mắt vắc xin Sputnik V phải kể tới truyền thống thu thập và lưu trữ các loại virus gây bệnh trên người của Liên Xô trước đây và LB Nga hiện nay. Các chủng virus gây bệnh mới luôn được thu thập và nghiên cứu để sử dụng với mục đích lưỡng dụng.

Quá trình nghiên cứu và thực nghiệm kéo dài hàng thập kỷ đã giúp các cơ sở y tế của Liên Xô và Nga sở hữu không chỉ ngân hàng mẫu virus khổng lồ, mà còn là các thực nghiệm y tế. Điều này đã giúp rút ngắn đáng kể quá trình nghiên cứu phương pháp và phác đồ điều trị các loại virus có họ gần nhau.

Kết hợp với đó, các trung tâm nghiên cứu tại Nga có truyền thống phối hợp với nhau để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị mới. Đây có thể coi là lời giải thích cho việc tại sao Trung tâm Gamaleya lại có thể nhanh chóng tìm ra vắc xin phòng Covid-19 trong thời gian ngắn kỷ lục như vậy.

Sputnik V – “người hùng” phòng Covid-19 chờ được công nhận

Theo thông tin từ Trung tâm Gamaleya, Vắc xin Sputnik V được phát triển theo công nghệ véc tơ virus tương tự như các dòng vắc xin AstraZeneca, Janssen của Johnson & Johnson; Convidecia của CanSino.

Công nghệ này sử dụng những chủng virus vô hại đã được chỉnh sửa khiến cho chúng không còn khả năng phân chia. Mẫu virus này sau đó được cấy ghép thêm một đoạn DNA của virus SARS-CoV-2 và được đưa vào cơ thể vật chủ

Với DNA nhận diện đặc trưng của virus SARS-CoV-2 mang theo, mẫu véc tơ virus sẽ kích thích hệ miễn dịch của vật chủ nhận diện là tạo ra kháng thể tiêu diệt, trong khi chúng vô hại với cơ thể vật chủ.

Thế mạnh của vắc xin Sputnik V chính là sử dụng hai loại véc tơ virus khác nhau ở 2 mũi tiêm giúp cơ thể củng cố khả năng miễn dịch. Cùng với đó, 2 mũi tiêm cũng có thể sử dụng độc lập để phòng Covid-19. Đây chính là tiền đề của loại vắc xin Sputnik Light tiêm 1 lần duy nhật được Trung tâm Gamaleya đã giới thiệu.

Trong tiêm chủng thực tế, vắc xin Sputnik V đã chứng minh được hiệu quả thực tế với hiệu quả phòng ngừa Covid-19 đạt tới 91,6%, nằm trong top 3 loại vắc xin hiệu quả nhất cùng với Pfizer và Moderna với chỉ số lần lượt là 95% và 94,1%. Kháng thể do Sputnik V cao hơn 14-1,6 lần so với lượng kháng thể trong cơ thể người từng mắc Covid-19 và ít có phản ứng phụ. Cùng với đó, đã có hơn 1 tỷ liều Sputnik V được đặt hàng và hơn 70 quốc gia đăng ký sử dụng loại vắc xin này trong các chiến dịch tiêm chủng lớn. Đây chính là những con số khẳng định hiệu quả của dòng vắc xin do Nga phát triển.

Tuy nhiên, việc Nga đưa vào sử dụng vắc xin Sputnik V, khi mới chỉ hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 và bỏ qua giai đoạn thứ 3 (tiêm thử nghiệm ở nước ngoài) đã khiến nó gặp khó khăn để đăng ký với Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trung tâm Gamaleya bị đối mặt với cáo buộc đốt cháy giai đoạn để đưa Sputnik V ra thị trường. Điều nay đã gây ra sự quan ngại trong cộng đồng y khoa quốc tế và là một trong những nguyên nhân khiến vắc xin Sputnik V không được công nhận theo tiêu chuẩn “hộ chiếu vắc xin” của WHO và hạn chế sự phổ biến của loại vắc xin này trên thế giới.

Để giải quyết vấn đề này, hồi đầu tháng 10-2021, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko tuyên bố, mọi rào cản liên quan tới việc đăng ký vắc xin Sputnik V với WHO đã được giải quyết. Nếu được WHO và Cơ quan Y tế châu Âu (EMA) thông qua quy chế vắc xin an toàn, Sputnik V sẽ có khả năng được sử dụng rộng rãi hơn nữa trên thế giới.

TUẤN SƠN (tổng hợp)