Lần huy động đầu tiên diễn ra vào đầu thế kỷ thứ XVII. Quân đội Thụy Điển khi đó đã thành lập đội quân nai sừng tấm đặc biệt, nhưng chẳng bao lâu sau thì bị giải tán. Bởi lẽ, nai là loài động vật khá thông minh, nhưng khi gặp nguy hiểm, chúng lập tức bỏ chạy khỏi chiến trường.

Những “chiến binh” tuần lộc trên Mặt trận phía Bắc trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Nguồn: Topwar.ru.

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, tại Liên Xô đã thành lập các đơn vị vận tải gồm những con tuần lộc để sử dụng trong các điều kiện chiến đấu. Egor Ledkov, người lúc đó đang làm công việc chăn nuôi tuần lộc tại nông trường Indiga ở Khu tự trị Nenets, kể về những sự kiện đã xảy ra: “Ban đầu, chúng tôi không thể hiểu được tại sao chúng tôi lại được lệnh đưa nhiều tuần lộc như vậy đến Arkhangelsk. Sau mới biết rằng, đó là để thành lập các đơn vị quân đội. Chúng tôi vẫn chưa hiểu, những con tuần lộc nào có thể tham gia vào các đơn vị quân đội? Chúng tôi, những người lái xe tuần lộc, là người dân tộc Nenets, Komi và người Nga, được gia nhập vào tiểu đoàn. Trong vòng một tháng, chúng tôi đã trải qua quá trình huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Lúc đầu, việc huấn luyện chẳng mang lại kết quả gì. Một đội tuần lộc đang đi thì bất ngờ có tiếng súng máy khai hỏa. Chúng ngay lập tức chạy dạt sang một bên, hoặc thậm chí đứng khựng lại một chỗ. Những quả mìn nổ inh ỏi trên đầu chúng tôi, tiếng súng vang ngay bên cạnh… Trong tuyết, người ta đào những chiến hào sâu đến mức đội tuần lộc có thể đi hẳn vào bên trong, còn những người đi cùng thì mặc áo bào ngụy trang. Sau đó, chúng tôi được lệnh đưa lên các đoàn xe vận tải. Chúng tôi hỏi các chỉ huy: “Chúng tôi sẽ được đưa đi đâu?”, và được trả lời là “Đi chiến đấu! Đi đánh quân Đức”. Từ Arkhangelsk, chúng tôi đã đưa hơn 1.000 con tuần lộc đến Murmansk. Tất cả chúng đều đã được huấn luyện và không sợ tiếng súng nổ”.

Lính chăn nuôi tuần lộc được biên chế chủ yếu là người dân địa phương thuộc các dân tộc Sami, Nenets và Komi. Họ rất thuần thục trong việc chăm sóc tuần lộc, biết cách tìm rêu cho chúng ăn và rất giỏi trong việc định hướng trên đài nguyên. Tất cả các chuyến vận chuyển bằng tuần lộc đều được cung cấp yên thồ và các thiết bị đặc biệt. Chỉ riêng số tuần lộc của Quân đoàn số 14 trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã lên đến gần 5.000 con, trong khi số tuần lộc của Quân đoàn số 19 thuộc Mặt trận phương Bắc có ít hơn một chút.

Tuần lộc được sử dụng khá thường xuyên không chỉ để vận chuyển hàng hóa quân sự và chở người bị thương, mà khi tung trinh sát vào hậu phương của kẻ địch, còn để thu dọn xác máy bay bị bắn rơi và đưa phi hành đoàn đi chỗ khác, cũng như để duy trì liên lạc với lực lượng biên phòng.

Trong các cuộc giao tranh diễn ra ở khu vực Bắc Cực từ năm 1941 đến 1944, “đội quân” tuần lộc đã giúp vận chuyển hơn 17.000 tấn đạn dược và hàng hóa khác, cũng như gần 8.000 binh lính và sĩ quan đến các vị trí chiến đấu. Ngoài ra, chúng còn đưa hơn 10.000 thương và bệnh binh từ chiến trường trở về.

Philip Filippov, xạ thủ của Tiểu đoàn Vận tải Tuần lộc số 1 kể lại cách mà quân Đức Quốc xã lần đầu tiên nhìn thấy những đoàn xe tuần lộc: “Cho rằng, đây chỉ là những người nông dân chăn nuôi tuần lộc đi xe trượt tuyết qua lại, nên chúng đã phớt lờ những đoàn xe đó. Mãi sau chúng mới hiểu được thực chất của những chuyến xe tuần lộc này. Cho nên từ đó, việc đi lại ngay cả trong bóng tối cũng trở nên nguy hiểm”.

Cuộc đổ bộ xuống mũi Pikshuev vào tháng 4-1942 là một tình huống khá thú vị. Việc đưa những con tuần lộc lên các tàu chiến đòi hỏi khá nhiều công sức, rồi sau đó cho chúng lên bờ cũng cần không ít nỗ lực. Lính Tiểu đoàn Vận tải Tuần lộc Alexander Denisov nhớ lại chiến dịch đổ bộ hôm đó: “Những con tuần lộc được buộc bằng dây, thả xuống bên những chiếc xuồng và đưa sang tàu chiến. Chúng bơi theo mọi người đang ngồi trên xuồng. Trong khi đó, những chiếc xe trượt tuyết thì được buộc vào dây xích và kéo lên bờ. Những con tuần lộc lập tức được buộc vào xe trượt tuyết và kéo đi…”.

QUỐC KHÁNH (theo Topwar)