Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G7 diễn ra trong bối cảnh chỉ còn một tháng nữa sẽ diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi hay ở lại EU. Theo thăm dò dư luận của Viện IPSOS-MORI được công bố hôm 20-5, phe ủng hộ Anh ở lại EU chiếm 55% so với 37% phản đối. Tỷ lệ ủng hộ như vậy đã tăng vọt trong thời gian gần đây, cho thấy chiến dịch vận động của Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mơ-rôn (David Cameron) dường như đã mang lại kết quả. Tuy nhiên, kết quả thăm dò này cũng có thể sẽ “đổi chiều” ở giai đoạn nước rút.

 Chủ đề Anh rời khỏi EU làm “nóng” Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G7. Ảnh: lanouvellerepublique.fr.
Chính vì thế, việc G7 lo ngại Anh rời bỏ EU là điều dễ hiểu. Bộ trưởng Tài chính Pháp Mi-sen Xa-panh (Michel Sapin) khẳng định, các quốc gia G7 hoàn toàn thống nhất trong việc muốn Anh ở lại EU. Nhưng dù lo ngại về nguy cơ "Brexit" (Anh ra khỏi EU), các nước G7 cũng không có biện pháp nào để giữ Luân Đôn ở lại EU. “G7 đã không hề thảo luận về phương án B để đối phó với các hậu quả của viễn cảnh nước Anh rời EU, mà chỉ bàn về cách giúp Luân Đôn ở lại”, ông Xa-panh cho hay. "Chúng tôi không bàn về các biện pháp cụ thể để giúp Anh ở lại EU. Còn về phía Ca-na-đa, quan điểm của chúng tôi là nước Anh sẽ mạnh hơn khi Anh là thành viên của EU. Điều đó tốt hơn cho EU, tốt hơn cho Ca-na-đa khi chúng tôi là một đối tác thương mại của Anh”, Bộ trưởng Tài chính Ca-na-đa Bin Moóc-nô (Bill Morneau) chia sẻ.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Giăng Clốt Giăng-cơ (Jean-Claude Juncker) cảnh báo rằng, nước nào ra khỏi EU sẽ phải chấp nhận việc bị coi là đứng ngoài cuộc. Đây được coi là lời cảnh báo mạnh mẽ nhất từ quan chức cấp cao EU trước cuộc trưng cầu dân ý vào tháng tới ở Anh về việc ở lại hay rời khỏi EU. Theo Bộ trưởng Tài chính Anh Gioóc-giơ Ô-xbon (Georges Osborne), trong trường hợp "Brexit", Anh sẽ hết sức khó khăn trong việc thương lượng lại một hiệp định thương mại mới với châu Âu, cũng như với hàng chục quốc gia ngoài châu Âu có ràng buộc với EU thông qua một thỏa thuận. Theo ông G.Ô-xbon, việc rời khỏi EU cũng khiến các hộ gia đình Anh nghèo đi. “Các biện pháp can thiệp từ vài tuần qua từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đối với Ngân hàng Trung ương Anh cho thấy, không còn nghi ngờ gì nữa về những hậu quả kinh tế của việc Anh rời khỏi EU. Các gia đình tại Anh là những người phải gánh chịu khi mỗi hộ gia đình sẽ bị thiệt hại 4.300 bảng Anh. Rời EU sẽ khiến nước Anh nghèo đi”, ông G.Ô-xbon giải thích.

Kể từ khi Anh gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) năm 1973, nền kinh tế và xã hội nước này đã ngày càng hòa quyện vào nền kinh tế và xã hội của các nước thành viên khác trong EU. EU là đối tác thương mại quan trọng nhất, chiếm 44% xuất khẩu và 53,2% nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Anh. Ngoài ra, Vương quốc Anh đã sử dụng tư cách thành viên EU để mở rộng ảnh hưởng quốc tế, thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của mình. Do vậy, theo nhận định của tờ Internationale Politik của Đức, không chỉ thiệt hại về kinh tế, việc Anh rời bỏ EU sẽ làm xáo trộn sự định hướng của Anh trong chính sách đối ngoại và an ninh.

Các quan hệ song phương khác cũng sẽ trở nên phức tạp hơn đối với Anh nếu Luân Đôn quyết định rời khỏi EU. Ví dụ, Hiệp định quốc phòng Lancaster House năm 2010 đã khởi xướng một liên minh phòng thủ mới giữa Anh và Pháp, dựa trên nền tảng hợp tác trong công nghệ vũ khí hạt nhân và khả năng phối hợp tác chiến mạnh mẽ hơn nữa giữa quân đội hai nước và nhằm chia sẻ gánh nặng về chi phí quốc phòng cho EU và NATO. Nếu Anh rời khỏi EU, sự hợp tác chặt chẽ này sẽ chấm dứt. Đây cũng chính là điều mà EU và NATO lo ngại nhất.

BÌNH NGUYÊN