Đúng 77 năm trước, quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố này đã cướp đi sinh mạng của 74.000 người, 60.000 người khác bị thương và nhiều người bị bệnh tật do ảnh hưởng lâu dài của chất phóng xạ. Vụ ném bom Nagasaki được thực hiện chỉ 3 ngày sau khi Mỹ ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima khiến 140.000 cư dân nơi đây thiệt mạng.

Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bày tỏ nước này sẵn sàng hành động để hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. “Mặc dù chúng ta phải đối mặt với một môi trường an ninh nghiêm trọng, chúng ta phải theo đuổi lịch sử phi hạt nhân hóa và để Nagasaki là nơi cuối cùng bị tấn công hạt nhân... Bảo đảm tính minh bạch, tiếp tục cắt giảm vũ khí hạt nhân và không phổ biến hạt nhân vẫn là những chủ trương quan trọng”, Kyodo News dẫn lời Thủ tướng Kishida.

 Chim bồ câu được thả tại Công viên Hòa bình ở Nagasaki trong buổi lễ tưởng niệm ngày 9-8. Ảnh: Kyodo News.

Trong Tuyên bố hòa bình Nagasaki được đưa ra tại lễ tưởng niệm, Thị trưởng thành phố Tomihisa Taue cho biết: “Vũ khí hạt nhân đang tồn tại, vì vậy chúng có thể được sử dụng. Tự loại bỏ vũ khí hạt nhân là cách thực tế duy nhất để bảo vệ trái đất và tương lai của loài người”. Ông Taue kêu gọi loại bỏ vũ khí hạt nhân trong bối cảnh các cuộc xung đột và chiến sự trên thế giới làm gia tăng lo ngại về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân; đồng thời kêu gọi các quốc gia có vũ khí hạt nhân tái khẳng định những cam kết đưa ra trong Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như lộ trình cụ thể để cắt giảm vũ khí hạt nhân. Tuyên bố cũng yêu cầu Chính phủ Nhật Bản ký kết và phê chuẩn hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc (LHQ), chủ trì các cuộc thảo luận nhằm thúc đẩy một khu vực không có vũ khí hạt nhân ở Đông Bắc Á, thay vì hướng tới “chia sẻ hạt nhân” hay bất cứ hình thức phụ thuộc nào khác vào vũ khí hạt nhân.

Theo AP News, Tokyo đã từ bỏ việc sản xuất hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng mình, song với tư cách là đồng minh của Washington, Nhật Bản vẫn được bảo vệ dưới “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ, cùng với sự hiện diện của 50.000 lính Mỹ đồn trú tại quốc gia này. Trong bối cảnh chiến sự Nga-Ukraine, một số nghị sĩ trong đảng cầm quyền Nhật Bản đã đề xuất khả năng “chia sẻ hạt nhân” với Mỹ.

Lễ tưởng niệm năm nay được tổ chức với quy mô lớn hơn năm 2021 do Nhật Bản đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19, với sự tham dự của khoảng 1.600 người trong bối cảnh an ninh được thắt chặt. Từ sáng sớm, những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử và người thân của các nạn nhân đã tới cầu nguyện và đặt hoa trong Công viên Hòa bình ở Nagasaki. Những người tham dự buổi lễ đã dành một phút mặc niệm vào lúc 11 giờ 02 phút, thời điểm quả bom nguyên tử phát nổ tại Nagasaki.

Đại diện ngoại giao của 83 quốc gia và khu vực đã tham dự lễ tưởng niệm, trong đó có bà Izumi Nakamitsu, Tổng thư ký và Đại diện cấp cao về giải trừ quân bị của LHQ. Tuần trước, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã trở thành người đứng đầu LHQ đầu tiên đến thăm Hiroshima kể từ năm 2010. Năm 2018, ông trở thành Tổng thư ký LHQ đầu tiên tham dự lễ tưởng niệm thường niên ở Nagasaki.

Trong cuộc họp báo sau lễ tưởng niệm, Thủ tướng Kishida cho biết, Chính phủ Nhật Bản dự định đưa một số loại bệnh ung thư vào phạm vi bảo hiểm nhằm trợ cấp y tế cho những nạn nhân bị ảnh hưởng từ vụ ném bom Nagasaki, ngoài các khu vực do chính phủ chỉ định trước đó. Thống kê của Bộ Y tế và phúc lợi Nhật Bản cho thấy, tính đến tháng 3 năm nay, đã có 118.935 người sống sót được chứng nhận đủ điều kiện nhận hỗ trợ y tế của chính phủ. Nhiều người bị thương và bệnh tật kéo dài do phơi nhiễm phóng xạ. Tuy nhiên, từ đó đến nay, họ vẫn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và chưa được hưởng trợ cấp y tế từ Chính phủ Nhật Bản.

HÀ PHƯƠNG