Nếu bạn đến Nhật Bản và không may bị mất đồ thì hãy cứ bình tĩnh, vì đây chính là đất nước mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy đồ bị mất nhờ vào sự trung thực của người dân cũng như hệ thống quản lý tài sản thất lạc hiệu quả. Đây là thông tin được tờ Al-Jazeera khẳng định trong một bài viết mới đây.
Theo bài viết, trong một lần du lịch Nhật Bản, cô sinh viên 20 tuổi Ma-thi-li Da-đê-da (Maithilee Jadeja) không may đã làm mất chiếc điện thoại di động của mình ở khu vực gần đỉnh núi A-xô (Aso). Hai tháng sau, cô bất ngờ nhận được thông báo về việc một người leo núi đã nhặt được chiếc điện thoại và giao nộp cho cảnh sát tỉnh Ku-ma-mô-tô (Kumamoto). Ma-thi-li Da-đê-da đã rất ngạc nhiên và xúc động khi nhận lại được chiến điện thoại chỉ một tuần sau đó.
Những câu chuyện như của Ma-thi-li Da-đê-da không phải là điều hiếm gặp tại Nhật Bản. Đức tính trung thực của người dân và sự nỗ lực của cảnh sát đã giúp cho rất nhiều người tránh khỏi cảnh thất lạc những tài sản quan trọng.
Mác Oét (Mark D West), Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Michigan của Mỹ đã mô tả Nhật Bản là “thiên đường của những người bị mất đồ”, nghĩa là bạn hoàn toàn có thể tìm lại được đồ đã mất một cách dễ dàng. Tại đây có những Cô-ban (koban)-chính là các chốt cảnh sát nơi quản lý tài sản bị thất lạc. Có khoảng 6.000 Cô-ban rải rác khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, và đây chính là nơi đầu tiên mọi người tìm đến khi bị mất đồ hoặc khi nhặt được các đồ vật vô chủ.
Năm 2016, Trung tâm tìm kiếm đồ thất lạc thuộc sở Cảnh sát Tô-ki-ô đã tiếp nhận tổng cộng 3,67 tỷ yên (tương đương 31 triệu USD) tiền mặt bị thất lạc và 3/4 số tiền đó đã được trả lại đúng chủ nhân. Ngoài ra, 3,83 triệu đồ vật bị thất lạc cũng được tiếp nhận, trong đó chủ yếu là thẻ ngân hàng, giấy phép lái xe và đặc biệt là rất nhiều chiếc ô.
Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em Nhật Bản đã được dạy phải mang các đồ vật nhặt được đến các Cô-ban, dù đồ vật đó có giá trị lớn hay nhỏ. Điều này đã hình thành đức tính trung thực và ý thức giúp đỡ người khác của người Nhật, góp phần đưa Nhật Bản trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tội phạm thấp nhất trên thế giới, tờ Al-Jazeera nhấn mạnh. “Dù các cháu nhặt được một số tiền rất nhỏ thì chúng tôi vẫn làm đầy đủ các thủ tục như thường lệ và không quên khen ngợi các cháu. Nhiệm vụ của cảnh sát chúng tôi không chỉ là đấu tranh với tội phạm, mà còn là nuôi dưỡng và khích lệ lòng tốt trong cộng đồng”, Tô-si-na-ri Ni-si-ô-ca (Toshinari Nishioka), một cựu cảnh sát chia sẻ.
PHẠM NHÀN