Theo Kyodo News, Chính phủ Nhật Bản đang tăng cường nỗ lực thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số giữa người trẻ và người già khi quá trình số hóa nhanh chóng ở nước này cho thấy nhu cầu cấp thiết phải giải quyết khoảng cách giữa các thế hệ.
Trong bối cảnh đất nước có khoảng 20 triệu người cao tuổi không sử dụng thành thạo điện thoại thông minh và các thiết bị kỹ thuật số khác, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ người dân bằng cách phối hợp với các công ty điện thoại di động tổ chức các lớp học. Tuy nhiên, những sáng kiến như vậy chỉ thu hút những người sẵn sàng học các kỹ năng kỹ thuật số mới. Theo một cuộc khảo sát dư luận về việc sử dụng điện thoại thông minh do Chính phủ Nhật Bản thực hiện vào năm 2020, gần 10% người trong độ tuổi 18-59 trả lời rằng họ “hầu như không sử dụng” hoặc “không sử dụng” các thiết bị như vậy. Trong khi đó, tỷ lệ những người nói rằng họ “hầu như không sử dụng” điện thoại thông minh ở nhóm tuổi 60-69 và nhóm tuổi trên 70 lần lượt là 25,7% và 57,9%.
 |
Một lớp dạy người cao tuổi cách sử dụng điện thoại thông minh do NTT Docomo tổ chức. Ảnh: Kyodo News
|
Tại một lớp hướng dẫn về điện thoại thông minh do nhà cung cấp dịch vụ viễn thông NTT Docomo tổ chức tại một cửa hàng của họ ở Tokyo hồi tháng 4 năm nay, người hướng dẫn đã cho hai người cao tuổi xem ảnh một con chó trắng lớn và giải thích cách sử dụng ứng dụng tìm kiếm hình ảnh thông qua chức năng camera. Những người tham gia được khuyến khích chụp ảnh và sử dụng ứng dụng để xác định giống chó. Một người tham gia lớp học cho hay: “Bây giờ không dùng được điện thoại thông minh thì hơi bất tiện. Tôi muốn cải thiện kỹ năng của mình”.
Kể từ khi được tổ chức vào năm 2018 cho đến nay, các lớp học về điện thoại thông minh của NTT Docomo đã thu hút hơn 15 triệu người tham gia. Tuy nhiên, một quan chức của NTT Docomo cũng thừa nhận rằng họ gặp nhiều khó khăn trong việc khuyến khích những người ít quan tâm đến vấn đề cải thiện kỹ năng kỹ thuật số tham gia các lớp học. Ông Tetsuya Toyoda, một nhà nghiên cứu tại Oricom Digital Divide Solutions, tổ chức tư nhân đang tìm cách thu hẹp khoảng cách số, cho biết, thế hệ trẻ coi công nghệ kỹ thuật số là điều hiển nhiên và thiếu nhận thức về sự chênh lệch hiện có. “Chính phủ, các công ty và trước tiên là mọi người dân cần nhận ra vấn đề và nỗ lực giải quyết”, ông Toyoda nhấn mạnh.
Bắt đầu từ năm tài khóa 2021, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đặt mục tiêu trong 5 năm sẽ đào tạo cho 10 triệu người sử dụng thành thạo thiết bị kỹ thuật số thông qua các khóa học. Trong năm 2021, có 250.000 người tham gia. Con số này đã tăng gấp đôi vào năm 2022, nhưng vẫn còn cách xa mục tiêu đề ra.
DƯƠNG NGUYỄN
Trong chương trình xúc tiến đầu tư những năm gần đây, thành phố Cần Thơ xác định Nhật Bản là đối tác hợp tác đầu tư chiến lược, trọng điểm. Phía Nhật Bản cũng đánh giá cao tiềm năng, lợi thế của thành phố Cần Thơ. Song đến nay, con số nhà đầu tư Nhật Bản rót vốn vào thành phố Cần Thơ vẫn khá khiêm tốn. Đâu là nguyên nhân và làm gì để Cần Thơ trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ quốc gia này?
Nikkei Asia cho biết Nhật Bản đang đẩy mạnh giải quyết vấn đề nhà bỏ trống, bỏ hoang ngày càng phổ biến tại nước này bằng cách sửa đổi đáng kể các biện pháp trong tài khóa 2023.
Trong bối cảnh ngành công nghiệp quốc phòng nội địa gặp nhiều khó khăn, Nhật Bản đã thông qua một đạo luật nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.