Dần khép lại kỷ nguyên than đá
Nhà máy điện than Ratcliffe-on-Soar nằm ngay bên con đường lớn với 8 tháp làm mát cao sừng sững. Trong hơn 50 năm qua, nhà máy này đã cung cấp điện cho hàng triệu gia đình Anh. Tuy nhiên, nhà máy điện than cuối cùng của Anh sẽ đóng cửa vào đêm 30-9, đưa đất nước này vào một giai đoạn mới trong quá trình khử carbon trong sản xuất năng lượng.
Với người dân sống trong khu vực gần nhà máy điện, việc đóng cửa nhà máy là mang lại cho họ cảm xúc khó tả. “Khi tôi về thăm bố mẹ, từ xa nhìn thấy những tháp làm mát, tôi biết mình đã gần về tới nhà. Sẽ thật trống vắng khi nhà máy không còn ở đó nữa”, Anthony, người từng lớn lên ở Nottingham, cách nhà máy Ratcliffe-on-Soar khoảng 15km, chia sẻ.
 |
Nhà máy điện than Ratcliffe-on-Soar của Anh sẽ đóng cửa vào đêm 30-9, theo giờ địa phương. Ảnh: Liberation
|
Còn với John, 38 tuổi, người suýt được nhận vào làm ở nhà máy Ratcliffe-on-Soar, thì rất vui vì đã chọn con đường khác. Anh nói: “Những ngày gần đây, chúng tôi đã thấy đoàn tàu chở hàng chạy ngang qua, nhưng điều đó cũng đã kết thúc. Lực lượng lao động ở nhà máy đã rời đi, từ hơn 3.000 người đã giảm xuống còn vài trăm nhân viên và hiện chỉ có 170 người ở lại để bảo đảm quá trình chuyển đổi”.
Việc đóng cửa nhà máy điện vào đêm 30-9 sẽ đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch chuyển đổi năng lượng của Anh. Đây sẽ trở thành thành viên đầu tiên trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) chấm dứt việc sản xuất điện than. Trước đó, Pháp từng đặt mục tiêu trên vào năm 2022 nhưng buộc phải hoãn lại đến năm 2027.
Bước nhảy vọt hướng tới một tương lai xanh hơn
Năm 1882, nhà máy điện đốt than đầu tiên trên thế giới đã được khai trương tại thủ đô London, trong khi các mỏ than và đầu máy xe lửa đã thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp. Trong hai thế kỷ qua, lịch sử nước Anh gắn liền với lịch sử ngành than, và cuộc đình công của thợ mỏ năm 1984 được nhớ đến như cuộc xung đột xã hội lớn nhất thời hậu chiến.
Vào giữa thế kỷ trước, Anh đã tiêu thụ 200 triệu tấn than mỗi năm. Vào những năm 1990, 80% điện năng vẫn đến từ các nhà máy điện than như Ratcliffe-on-Soar. Sự kết hợp giữa các biện pháp khuyến khích chính trị, đầu tư vào năng lượng tái tạo và mục tiêu trung hòa carbon trong sản xuất năng lượng vào năm 2030 đã thúc đẩy phong trào chuyển đổi năng lượng này.
Từ năm 2000, 25 nhà máy nhiệt điện than đã đóng cửa ở Anh. Năm 2008, Công đảng Anh đã thông qua Đạo luật Biến đổi Khí hậu, một trong những luật mang tính ràng buộc đầu tiên nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Chiến lược này sau đó được tiếp tục dưới thời các chính phủ bảo thủ, những người năm 2016 đã tuyên bố sẽ chấm dứt sử dụng than vào năm 2025. Ngay trước khi khai mạc COP26 ở Glasgow năm 2021, Thủ tướng Anh khi đó là Boris Johnson đã đẩy thời gian chấm dứt sử dụng than lên trước một năm. Đồng thời, nước này tăng cường phát triển năng lượng tái tạo nhằm giảm chi phí và tìm kiếm sự độc lập về năng lượng. Hiện nay, năng lượng tái tạo chiếm 1/3 sản lượng năng lượng của đất nước, gần bằng khí đốt. Phần còn lại được chia sẻ giữa sinh khối và hạt nhân.
“Khoảng 10 năm trước, chúng tôi vẫn sử dụng than ở mức 40%. Và bây giờ, con số này là 0. Đó là một bước nhảy vọt lớn”, nhà phân tích tình báo khí hậu và năng lượng của Anh, ông Jess Ralston, nhận xét. Ông Jess Ralston nói thêm: “Trên hết, việc đóng cửa nhà máy điện than cuối cùng đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới cả ngành công nghiệp Anh và phần còn lại của thế giới rằng, chúng ta đang rời xa nhiên liệu hóa thạch và hướng tới một tương lai xanh hơn”.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Anh Michael Shanks nêu rõ, mặc dù kỷ nguyên than đá đang dần khép lại, một chương mới đầy hứa hẹn về việc tạo ra nhiều việc làm xanh và bền vững trong lĩnh vực năng lượng đang mở ra trước mắt.
QUỲNH CHI
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.