QĐND - Nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia là nguyên tắc cơ bản nhất điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia thành viên ASEAN.

Chủ quyền quốc gia là nền tảng của quan hệ quốc tế hiện đại, thể hiện ở quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình và quyền độc lập của quốc gia trong quan hệ quốc tế. Nguyên tắc này được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc, trong điều lệ của các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc, của đại đa số các tổ chức quốc tế và khu vực, trong nhiều điều ước quốc tế đa phương, song phương và nhiều văn bản quốc tế quan trọng khác.

Ngày nay, quá trình toàn cầu hóa, tiến trình hội nhập khu vực và toàn cầu đã dẫn tới sự ra đời của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực. Một quốc gia cùng lúc có thể tham gia nhiều tổ chức khác nhau. Khi tham gia các tổ chức này, các quốc gia chấp nhận chấp hành các quy định, luật lệ, nguyên tắc hoạt động của các tổ chức đó. Nói cách khác, các quốc gia tự nguyện trao cho các tổ chức đó một số thẩm quyền thuộc chủ quyền của mình để tổ chức đó thực hiện được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là quốc gia bị hạn chế về chủ quyền. Quốc gia khi tự nguyện tham gia tổ chức quốc tế và khu vực thực hiện các quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên, chịu sự chi phối nhất định của các tổ chức mà họ tham gia.

Đối với tổ chức ASEAN cũng vậy. Điều 2, Hiến chương ASEAN khẳng định: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của tất cả các quốc gia thành viên; Cùng cam kết và chia sẻ trách nhiệm tập thể trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực; Không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên ASEAN; Tôn trọng quyền của các quốc gia thành viên được quyết định vận mệnh của mình mà không có sự can thiệp, lật đổ và áp đặt từ bên ngoài.

Mục tiêu mà ASEAN hướng tới không phải là xây dựng một tổ chức siêu quốc gia có quyền lực bao trùm lên chủ quyền quốc gia của các nước thành viên. Trái lại, với tư cách một tổ chức liên chính phủ, mọi quyết định của ASEAN đều có sự tham gia đóng góp của các nước thành viên dựa trên cơ sở bình đẳng về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi. Mục tiêu cao nhất của ASEAN hiện nay là tiếp tục thúc đẩy hội nhập khu vực sâu rộng hơn nữa, thể hiện ở nỗ lực xây dựng một Cộng đồng ASEAN “mở, năng động và tự cường” dựa trên ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Do vậy, trong quá trình này, các nước thành viên tiếp tục là các chủ thể bình đẳng về chủ quyền, có nghĩa vụ và quyền lợi bình đẳng như đã cam kết và thống nhất trong việc thực hiện các chương trình hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng cộng đồng.

ANH VŨ