Hợp tác xã Marjana được thành lập vào năm 2005. Hiện có 80 phụ nữ làm việc tại đây, hầu hết trên 60 tuổi. Một số người làm việc trong lĩnh vực sản xuất và một số khác bán hàng. Bà Samira Chari, 42 tuổi, là thợ thủ công trẻ nhất ở Marjana.

Bà Chari cho biết: “Đó là công việc khó khăn, đòi hỏi kinh nghiệm và hơn hết là sự kiên nhẫn”. Hợp tác xã Marjana sản xuất tới 1.000 lít dầu argan mỗi năm và làm việc với các công ty du lịch để đưa du khách tới xem quy trình sản xuất. 

Công đoạn tách vỏ hạt argan để chuẩn bị chiết xuất dầu.  Ảnh: AFP 

Tại Morocco, lực lượng lao động tham gia sản xuất dầu argan chủ yếu là người lớn tuổi. Trong khi đó, giới trẻ ngày càng ít quan tâm tới nghề này. Điều đó làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nghề sản xuất dầu argan thủ công bị mai một.

Theo người sáng lập hợp tác xã Marjana Amel El Hantatti, công việc lao động chân tay là một lý do khiến những người trẻ tuổi không theo nghề sản xuất dầu argan. Họ thường thích làm việc trong cửa hàng quà tặng, bán xà phòng, dầu gội đầu và kem dưỡng ẩm có tinh dầu argan.

Bà Hantatti nhấn mạnh: “Tôi thực sự lo sợ rằng nghề sản xuất dầu argan thủ công có thể biến mất trong tương lai”. Chia sẻ với AFP, cô Assia Chaker, 25 tuổi, cho biết: “Tôi đã thử làm việc vài ngày với những người thợ thủ công nhưng không thể. Đó là một quá trình khó khăn và thực sự mệt mỏi. Tôi thích được tiếp xúc với mọi người và trò chuyện với khách du lịch đến cửa hàng thay vì dành cả ngày để nghiền hạt argan. Dù sao đi nữa, một ngày nào đó công việc đó sẽ được thực hiện bằng máy móc”.

Dầu argan đem lại nguồn thu nhập chính ở khu vực phía Nam Morocco. Ở đây, rất ít cây trồng khác có thể sống sót trong điều kiện lượng mưa thấp và nắng nóng mùa hè gay gắt. Dầu argan của Morocco được ngành công nghiệp mỹ phẩm đánh giá cao. Loại dầu này được sử dụng trong nấu ăn, đồng thời cũng nổi tiếng với đặc tính giữ ẩm và chống lão hóa cho da và tóc.

LÂM VŨ