Không lo sợ

Theo BBC, khoảng thời gian này năm ngoái, bà Fawzia Koofi cùng một người phụ nữ nữa là nhà hoạt động nhân quyền Laila Jafari bước vào một phòng khách sạn chật kín 70 người ở thủ đô Moscow của Nga. Trong cuộc đàm phán đó chỉ có Fawzia Koofi và Laila Jafari là phụ nữ. “Tôi không hề lo sợ. Với tôi, điều quan trọng là phải kiên định bởi mình đang đại diện cho phụ nữ Afghanistan. Tôi nói với phía Taliban rằng Afghanistan giờ đây được đại diện bởi nhiều quan điểm đa dạng và đất nước này không còn bị bó buộc bởi một hệ tư tưởng duy nhất. Một số thành viên Taliban lúc đó đã nhìn chằm chằm vào tôi, một vài người thì ghi chép trong khi những người khác lờ đi, nhìn sang chỗ khác”, bà Fawzia Koofi chia sẻ.

Taliban vẫn luôn từ chối đàm phán trực tiếp với Chính phủ Afghanistan. Tuy nhiên, BBC cho biết sau sức ép liên tục của Mỹ và Nga, một thỏa hiệp đã đạt được và Taliban chấp nhận đàm phán với một phái đoàn không chính thức của Afghanistan. Bà Fawzia Koofi đã tham gia phái đoàn này 3 lần.

Trong suốt giai đoạn cầm quyền tại Afghanistan từ năm 1996 đến 2001, Taliban cấm phụ nữ học hành hay có việc làm, đồng thời áp đặt nhiều điều luật Hồi giáo hà khắc, như: Ném đá tới chết, đánh roi. Đã sống cả đời ở Afghanistan, bà Fawzia Koofi biết có nhiều người từng phải chịu những hình phạt như vậy. Do đó, khi đàm phán với Taliban, bà Fawzia Koofi đã đề cập trực diện vấn đề quyền phụ nữ. “Vì phía chúng tôi có các đại biểu là nữ nên tôi đã đề nghị Taliban rằng họ cũng nên đưa các thành viên nữ tới tham gia đàm phán. Nghe thấy vậy họ cười phá lên”, bà Fawzia Koofi kể lại.

Bà Fawzia Koofi (bên phải) và bà Laila Jafari là những phụ nữ Afghanistan hiếm hoi từng tham gia đàm phán với Taliban. Ảnh: Getty Images.

Khi đến lượt phát biểu, phía Taliban đã lên tiếng đáp trả đề nghị của bà Fawzia Koofi. Phía Taliban cho rằng phụ nữ không thể làm tổng thống hay quan tòa. Vì thể thức các cuộc đàm phán không cho phép “thảo luận hai chiều” nên mặc dù phản đối ý kiến của phía Taliban, bà Fawzia Koofi cũng không tranh luận.

Theo BBC, quan điểm chính thức của Taliban thời gian gần đây là phụ nữ được phép học hành, có việc làm nhưng chỉ “trong giới hạn luật Hồi giáo và văn hóa Afghanistan”. Với những người như bà Fawzia Koofi, đây chính là mấu chốt của vấn đề. “Đạo Hồi chỉ có một quyển sách thánh nhưng lại có nhiều trường phái tư tưởng thần học. Tôi đã nghe tới các quan điểm khác nhau về lời răn dạy của đạo Hồi từ nhiều học giả. Taliban lại có những cách diễn giải cực đoan về kinh Koran”, bà Fawzia Koofi chia sẻ.

Mong muốn hòa bình

Bà Fawzia Koofi lần đầu tiên thấy một tay súng Taliban là vào tháng 9-1996. Khi ấy, bà đang là sinh viên y khoa ở thủ đô Kabul. “Từ trên một căn hộ chung cư ở tầng 5, tôi nhìn thấy các tay súng. Đụng độ xảy ra trên đường phố với các phiến quân Taliban cầm theo súng trường tự động trong tay”, bà Fawzia Koofi nhớ lại.

Chỉ trong vòng có vài ngày, giấc mơ từ thuở niên thiếu là được làm bác sĩ của sinh viên y khoa Fawzia Koofi đã tiêu tan bởi cô bị nhà trường cho nghỉ học theo lệnh của Taliban. Fawzia Koofi vẫn ở lại Kabul và dạy tiếng Anh cho những bé gái chịu chung cảnh ngộ không được tới trường. “Đó là một giai đoạn rất buồn. Nếu có người muốn phá hoại và chặn đứng mọi cơ hội của bạn, chuyện đó rất đau đớn”, cựu Phó chủ tịch Quốc hội Afghanistan chia sẻ.

Taliban ra sắc lệnh bắt phụ nữ Afghanistan phải mặc burka (trang phục của phụ nữ Hồi giáo) trùm kín người khi ra khỏi nhà. Chưa một lần bỏ tiền mua burka để mặc, khi đó bà Fawzia Koofi phải hạn chế đi lại nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân. “Lực lượng Taliban thường xuyên tuần tra trên phố và đánh đập những người phụ nữ không mặc burka”, bà Fawzia Koofi kể. Vì vậy, theo BBC, không có gì ngạc nhiên khi hầu hết người dân Afghanistan, nhất là phụ nữ, đều thở phào khi Taliban bị lật đổ vào năm 2001, bởi như chia sẻ của bà Fawzia Koofi: “Chúng tôi có thể đi lại trên đường phố, mua sắm mà không sợ bị Taliban đánh đập”.

Sau khi Taliban bị lật đổ, bà Fawzia Koofi làm việc cho Liên hợp quốc. Năm 2005, bà quyết định tham gia chạy đua trong cuộc bầu cử Quốc hội Afghanistan và trúng cử nghị sĩ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của hai nhiệm kỳ làm nghị sĩ, bà được bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội. Cũng chính trong khoảng thời gian này, bà đã may mắn thoát khỏi âm mưu ám sát của Taliban trong một chuyến công tác ở miền Nam Afghanistan. “Vào tháng 3-2010, tôi đến tỉnh Nangarhar để tham dự lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ. Trên đường trở về, đoàn xe của tôi bị tấn công”, bà Fawzia Koofi kể.

BBC cho biết, 10 năm qua, cuộc xung đột tại Afghanistan khiến hàng chục nghìn dân thường thương vong và Afghanistan vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. “Ai cũng mong muốn hòa bình. Chúng tôi sinh ra và lớn lên trong chiến tranh. Thế hệ chúng tôi và con cái chúng tôi đều chưa được biết hòa bình là gì”, bà Fawzia Koofi nhấn mạnh.

HOÀNG VŨ