Trong hàng dài chờ được vào một nhà tắm xông hơi, anh Mohammed Hariri cho biết, khi còn nhỏ anh từng nhiều lần đi cùng với bố và các bác đến các nhà tắm xông hơi ở Aleppo. Giờ thì anh tới cùng con trai.

Dẫu vậy, người đàn ông 31 tuổi này khẳng định đó không phải là “văn hóa cha truyền con nối” mà bởi gia đình mình bị cắt điện liên tục nên không có nước nóng để sử dụng.

Vì vậy, dịch vụ tắm xông hơi công cộng là lựa chọn duy nhất để anh thỏa mãn “cơn khát” tắm nước nóng. Trong năm vừa qua, cuộc khủng hoảng nguồn cung điện, nước và nhiên liệu khiến việc được tắm nước nóng ở nhà trở thành điều xa xỉ đối với nhiều người dân Syria. Riêng Aleppo phải trải qua thời gian dài bị cắt điện với tần suất lên tới 20 tiếng mỗi ngày.

 Một nhân viên đang kiểm tra danh sách khách hàng tại quầy lễ tân của nhà tắm hơi Hammam al-Qawwas. Ảnh: AFP

Ngoài ra, một lý do nữa khiến những nhà tắm xông hơi này đông khách là vì ở đây mọi người có thể tắm bao lâu tùy thích, khác hẳn với việc tắm “chớp nhoáng” như lúc ở nhà có điện. “Tôi chỉ có thể tắm trong 5 phút khi ở nhà, nhưng lại có thể tắm 5 tiếng ở nhà tắm xông hơi”, anh Hariri so sánh.

Các nhà tắm xông hơi ở Aleppo đã tồn tại từ nhiều thế kỷ qua như những địa điểm mà cánh mày râu hay lui tới để cùng nhau tắm thư giãn, nghe nhạc và thậm chí là ăn uống. Cuộc nội chiến ở quốc gia Tây Nam Á này đã khiến nhiều cơ sở bị phá hủy nghiêm trọng. Kể từ khi Chính phủ Syria giành lại quyền kiểm soát Aleppo năm 2016, chỉ có khoảng 10 trong số hơn 50 nhà tắm xông hơi truyền thống mở cửa trở lại.

Tại nhà tắm hơi Hammam al-Qawwas, dầu diesel và gỗ được dùng để đun nóng nước và tạo hơi nước. Thừa hưởng cơ sở được xây dựng từ thế kỷ 14 này từ ông nội, anh Ammar Radwan bận rộn trả lời điện thoại của khách hàng gọi tới đặt chỗ trước. “Dù đã kinh doanh trở lại từ năm 2017 sau khi cuộc chiến ở Aleppo kết thúc nhưng chính bản thân tôi cũng chưa từng nghĩ công việc làm ăn sẽ hút khách như hiện nay”, anh Radwan chia sẻ.

KHÁNH NGÂN