Theo Đài Truyền hình New Delhi (NDTV), người Ấn Độ chưa quên khoảng thời gian căng thẳng hồi tháng 10-2023, khi tin tức về án tử hình bất ngờ mà Qatar dành cho 8 công dân Ấn Độ bay về. Điều gây sốc trong vụ việc là Qatar-một trong những quốc gia giàu có nhất hiện nay-vốn có mối quan hệ ngoại giao khá nồng ấm với Ấn Độ. Sau cú sốc bất ngờ, tuyệt vọng trước “giá treo cổ” đang lơ lửng chờ đợi những “tử tù bất đắc dĩ” này, dư luận Ấn Độ phản ứng sôi sục, thậm chí yêu cầu New Delhi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha.

Trước nhiều bề áp lực, New Delhi đôn đáo cân nhắc mọi lựa chọn pháp lý và ngoại giao trong khả năng, từ can thiệp chính trị cấp cao, can thiệp lãnh sự đến tiến hành kháng cáo, thậm chí viện dẫn các điều khoản trong thỏa thuận song phương về dẫn độ tội phạm năm 2015. Song con đường phía trước vẫn hoàn toàn mờ mịt.

Trong bối cảnh đó, cánh cửa hy vọng còn lại được đặt vào đàm phán cấp cao nhất-cấp thủ tướng. Ấn Độ có lợi thế trong mối quan hệ với Qatar, nhưng để triển khai nó một cách hiệu quả, đòi hỏi một ban lãnh đạo sẵn sàng hành động một cách cụ thể. Hành động của Thủ tướng Narendra Modi là yếu tố then chốt có thể đem lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, đối với bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào, một động thái như vậy chứa đầy rủi ro, bởi nếu thất bại, nó có thể làm xói mòn uy tín của ông Modi trên phạm vi toàn cầu.

Thời gian không chờ đợi, hai tháng sau tuyên án, Thủ tướng Modi có cuộc gặp với Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani bên lề Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) ở Dubai. Kết quả ban đầu: Qatar chấp nhận giảm án cho 8 cựu binh Ấn Độ-một tín hiệu cho thấy mọi thứ đang đi đúng hướng. Đầu tháng 2-2024, Ấn Độ và Qatar ký một thỏa thuận “khủng” trị giá ngót 80 tỷ USD nhằm gia hạn nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) từ Qatar vào Ấn Độ thêm 20 năm nữa. Một bước đi khôn khéo đưa hai bên xích lại gần nhau hơn.  

leftcenterrightdel

Tại cuộc gặp ở Doha ngày 15-2, Thủ tướng Narendra Modi cảm ơn Quốc vương Qatar đã tha bổng 8 công dân Ấn Độ. Ảnh: NDTV 

New Delhi và Doha có nhiều ràng buộc trong kinh tế và thương mại. Quốc gia vùng Vịnh là nhà cung cấp LNG lớn nhất, chiếm hơn 50% lượng LNG nhập khẩu của Ấn Độ. Bên cạnh đó, cộng đồng 840.000 người Ấn Độ là nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Qatar. Xây dựng mối quan hệ bền chặt với một cường quốc kinh tế mới nổi như Ấn Độ là ưu tiên hàng đầu khi Doha đang nỗ lực đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế. Với New Delhi, tăng cường quan hệ đối tác với một quốc gia vùng Vịnh có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trong khu vực là điều tất yếu.

Quyết định tha bổng 8 công dân Ấn Độ được Qatar công bố đúng vào ngày Thủ tướng Modi bắt đầu công du Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và dự lễ khánh thành ngôi đền Hindu đầu tiên ở Abu Dhabi. Ngay sau đó, ông Modi thăm chính thức Qatar. Chuyến công du một lần nữa khẳng định vai trò lãnh đạo của Ấn Độ trong việc định hình sự can dự của cường quốc này trong khu vực.

NDTV nhận định, Trung Đông là một trong những câu chuyện thành công lớn nhất về chính sách đối ngoại của Thủ tướng Modi trong thập kỷ qua. Những bước đi ngoại giao khôn khéo giúp New Delhi xây dựng mối quan hệ đặc biệt bền chặt với các quốc gia vùng Vịnh. Nhìn xa hơn các mối quan hệ năng lượng và liên kết cộng đồng hải ngoại, cách tiếp cận mang tính chiến lược của Ấn Độ đã mở đường cho những chính sách đối ngoại rộng mở hơn, như việc thành lập cơ chế hợp tác I2U2 (Ấn Độ, Israel, UAE và Mỹ), hay sự ra đời của Hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-châu Âu (IMEC).

Vụ giải cứu 8 công dân bị Qatar kết án tử là sự kiện “chưa từng có trong lịch sử Ấn Độ hiện đại”. Đây là thành công ngoại giao đặc biệt giúp đương kim Thủ tướng ghi điểm khi chỉ chưa đầy hai tháng nữa, Ấn Độ sẽ bước vào cuộc tổng tuyển cử và ông Modi tiếp tục ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba.

HÀ PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.