Thương vụ Tập đoàn thép Mỹ (US Steel) vừa được Tập đoàn thép Nhật Bản Nippon (Nippon Steel Corporation) thâu tóm đang trở thành chủ đề gây tranh cãi giữa các nhà lập pháp trong Quốc hội Mỹ.
Mới đây, Tạp chí Newsweek đăng tải ý kiến của Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio, đại diện bang Florida, người đã ví thương vụ trên như một “phép ẩn dụ sâu sắc” đối với quá trình phi công nghiệp hóa của nước Mỹ. Theo ông Rubio, thương vụ mua bán US Steel không chỉ khiến nước Mỹ mất đi một biểu tượng mà còn gây ra mối nguy hiểm thực sự đối với an ninh quốc gia và nền kinh tế Mỹ. Chính vì thế, ông Rubio cùng một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã yêu cầu Quốc hội Mỹ ra lệnh chặn thương vụ này, dù đã khá muộn màng.
 |
Bên trong một nhà máy của công ty sản xuất thép US Steel. Ảnh: US Steel |
Lần lại lịch sử, US Steel được Tập đoàn tài chính JP Morgan (Mỹ) thành lập năm 1901 trên cơ sở công ty thép Carnegie của Andrew Carnegie. Dưới sự điều hành của JP Morgan, US Steel nhanh chóng trở thành một tập đoàn quyền lực, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới. Sau hơn 100 năm phát triển, “con tạo xoay vần”, tốc độ sụt giảm không phanh thị phần toàn cầu của US Steel khiến tập đoàn này từ vị trí số 1 tụt xuống vị trí thứ 27 trên bảng xếp hạng thế giới. Và sau thương vụ mua bán vừa rồi, nó không còn là niềm tự hào mang “dấu ấn Mỹ”.
Trước đó đã có một số ý kiến, như lời cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho rằng, ngay cả khi mất đi US Steel, Mỹ vẫn đủ năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu quốc phòng, rằng quân đội Mỹ chỉ cần sử dụng 3% sản lượng thép trong nước cho sản xuất vũ khí. Tuy nhiên, theo ông Rubio, những ý kiến này hoàn toàn không tính đến nhu cầu quốc phòng gia tăng khi một quốc gia chuyển từ trạng thái hòa bình sang chiến tranh. Ví như, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ tiêu thụ khoảng 60% sản lượng thép nội địa cho sản xuất vũ khí. Hơn nữa, đang từ thế chủ động, khi mất đi một “con chim đầu đàn” trong ngành sản xuất công nghiệp, Washington sẽ trở nên bị động, phụ thuộc vào chuỗi cung ứng, lệ thuộc vào các công ty nước ngoài. Thương vụ mua bán US Steel là hồi chuông cảnh báo, rằng nước Mỹ cần coi trọng các lĩnh vực chủ chốt như thép cũng như chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... để duy trì vị thế cường quốc hàng đầu thế giới.
HIỀN MINH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.
Ngày 9-1 đánh dấu một trong những cuộc tấn công quy mô nhất của lực lượng Houthi ở Yemen trên Biển Đỏ trong những tháng gần đây, nhưng 24 máy bay không người lái (UAV) và tên lửa đã bị bắn hạ.
Các trang mạng xã hội TikTok hay X ở Mỹ đang tràn ngập bài đăng với chung một chủ đề là giới thiệu lịch dương năm 1996 giống 100% của năm 2024, thu hút hàng triệu người xem quan tâm.