TASS đưa tin, trả lời báo chí sau một cuộc họp của Hội đồng Nhà nước ngày 22-12, khi đề cập đến khủng hoảng ở Ukraine, Tổng thống Putin nhấn mạnh mục tiêu của nước này không phải là thúc đẩy, mà là nỗ lực chấm dứt chiến sự càng sớm càng tốt. Theo người đứng đầu Điện Kremlin, việc xung đột kéo dài sẽ dẫn đến những tổn thất không cần thiết. Mặt khác, nhà lãnh đạo Nga nhận định mọi cuộc xung đột trên thế giới đều kết thúc bằng đàm phán và chính quyền Ukraine cần chấp nhận thực tế đó. “Chúng tôi chưa bao giờ từ chối các cuộc đàm phán”, TASS dẫn lời Tổng thống Nga nêu rõ.

Ngoài ra, Tổng thống Putin cho rằng, quyết định của Mỹ cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa phòng không Patriot chỉ khiến kéo dài cuộc xung đột. Trước đó, giới chức Nga từng nhiều lần cảnh báo động thái này sẽ làm gia tăng căng thẳng cũng như dẫn đến khả năng đối đầu trực tiếp giữa Moscow và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) phát biểu tại cuộc họp với các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nga ở Moscow ngày 21-12. Ảnh: en.kremlin.ru 

Tuyên bố trên được Tổng thống Nga đưa ra sau chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Đây được cho là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Zelensky từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2 năm nay. Theo CNN, tại cuộc gặp ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ukraine đã thảo luận về “công thức hòa bình” mà Kiev muốn hướng đến. Mặt khác, Washington cũng công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá hơn 1,8 tỷ USD, bao gồm cả hệ thống Patriot.

Cũng trong ngày 22-12, Reuters dẫn lời người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby nhận định hoàn toàn không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Nga sẵn sàng hòa đàm. Ngược lại, theo The Moscow Times, người phát ngôn Điện Kremlin Dimitry Peskov sau đó đáp trả rằng chuyến thăm của Tổng thống Ukraine đến Mỹ chứng tỏ không có tín hiệu sẵn sàng cho đàm phán hòa bình.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã kéo dài gần 10 tháng. Đến nay, nhiều vòng đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev đã được tổ chức nhưng không ghi nhận kết quả đột phá, thậm chí đang rơi vào tình trạng đình trệ.

Ở một diễn biến khác, ngày 23-12, Reuters dẫn phát biểu trên truyền hình của Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, nước này sẵn sàng giảm sản lượng dầu khoảng 500-700.000 thùng (tương đương 5-7%) mỗi ngày vào đầu năm 2023, như một biện pháp đáp trả giới hạn giá nhiên liệu do phương Tây đặt ra. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU), các thành viên của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Australia tuyên bố đồng ý áp mức giá trần đối với dầu thô có nguồn gốc từ Nga ở mức 60USD/thùng, có hiệu lực từ ngày 5-12 vừa qua. Mới đây, EU còn đi đến thống nhất mức trần giá khí đốt tự nhiên tại “lục địa già” là 180 euro/MWh từ giữa tháng 2-2023. Những động thái này nằm trong nỗ lực của Mỹ và đồng minh nhằm làm suy giảm nguồn thu của Moscow từ xuất khẩu năng lượng, kèm theo hy vọng có thể ngăn giá nhiên liệu toàn cầu tăng đột biến.

Theo TASS, Tổng thống Nga tuyên bố Moscow sẽ không bán các sản phẩm dầu mỏ của mình cho những nước đồng ý áp giá trần và có quyền không tuân thủ các hợp đồng khí đốt nếu giá trần do EU áp đặt vi phạm các hợp đồng này. Nhà lãnh đạo Nga đồng thời cho biết dự kiến ký một sắc lệnh về các biện pháp trả đũa vào đầu tuần tới.

NGÂN ANH