Từ năm 1953 đến nay, trong tổng số 8.306 người tham gia hành trình chinh phục đỉnh Everest đã có 288 người thiệt mạng. Trong nhiều năm qua, đỉnh Everest đã thu hút vô số người leo núi khuyết tật với mong muốn vượt qua chính mình và chinh phục "mái nhà chung của thế giới". Theo Himalayan Database, tổ chức chuyên theo dõi những kỷ lục xác lập trên đỉnh Everest, đã có 29 người khuyết tật từng tham gia hành trình chinh phục Everest, trong đó 15 người thành công và hai người tử nạn vào năm 2006 và 2014.

Hành trình chinh phục đỉnh Everest. Ảnh: AP

Theo quy định mới, người đi leo núi một mình sẽ cần phải đi cùng với hướng dẫn viên leo núi và những người hỗ trợ hành trình này cũng sẽ đủ điều kiện để nhận giấy chứng nhận chinh phục thành công Everest.

Hiện nay, luật pháp Nepal quy định độ tuổi tối thiểu đối với người leo núi là 16, nhưng vẫn chưa quy định về độ tuổi tối đa trong trường hợp này. Sau cái chết của nhà leo núi 85 tuổi hồi tháng 5-2017, Hiệp hội leo núi Nepal đã lên kế hoạch thúc đẩy chính phủ nước này đặt ra giới hạn độ tuổi tối đa cho người leo núi là 76. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được đưa vào các quy định leo núi mới.

Tuy nhiên, lệnh cấm những người bị mất hai chân hoặc hai tay không được tham gia hành trình chinh phục Everest đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Phản ứng trước lệnh cấm người khuyết tật leo núi, ông Hari Budha Magar, cựu chiến binh đã mất đi hai chân sau một vụ nổ tại Afghanistan, coi quy định mới là hành động phân biệt đối xử. Trên Facebook, ông viết: “Nepal nên tự hào về tôi, chứ không phải cấm tôi. Tôi sẽ vẫn leo lên đỉnh Everest dù chính phủ nói sao đi nữa. Không gì là không thể". Ông hiện đang tập luyện với hy vọng trở thành người bị cụt hai chân trên đầu gối đầu tiên trên thế giới chinh phục thành công đỉnh Everest.

Ngoài ra, Đại sứ Mỹ tại Nepal Alaina B Teplitz cũng thể hiện ý kiến phản đối trước quy định mới về leo núi của chính phủ Nepal. Ông viết trên Twitter: "Không nên cấm những nhà leo núi như Hari Budha Magar vì những đánh giá sai lầm về năng lực".

TÚ ANH