QĐND - Trên những trục đường 4 làn, 8 làn, trải bê tông thẳng tắp ở Nay Pyi Taw (Nây Pi Tô), một trong những thủ đô “ít tuổi” nhất thế giới, lâu lâu mới xuất hiện bóng dáng của một chiếc xe ô tô hay xe máy, dù trong giờ cao điểm. Mi-an-ma quyết định chuyển thủ đô từ thành phố Yangon về Nay Pyi Taw - một vùng bán sơn địa hoang sơ nằm ở trung tâm đất nước, cách Yangon khoảng 320km - từ tháng 11-2005. Vào ngày 27-3-2006, đúng ngày truyền thống của Lực lượng vũ trang Mi-an-ma, thủ đô mới này chính thức được đặt tên là Nay Pyi Taw.

Cảnh sát Mi-an-ma bên ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc tế.

Nay Pyi Taw theo tiếng Mi-an-ma có nghĩa là “thành phố hoàng gia”, “nơi ở của những vị vua”. Có lẽ vậy, chưa được 10 năm kể từ khi được chọn là thủ đô của đất nước, vùng đất này đã “biến hình” thành thành phố có cơ sở hạ tầng hiếm có trong khu vực và thế giới.

Mỗi lần đến Nay Pyi Taw là mỗi lần chứng kiến sự đổi khác khi các đại công trình được hoàn thiện. Được xây dựng trên một khu đất rộng hơn 7000km2, nằm giữa hai dãy núi Bago Yoma và Shan Yoma, thủ đô mới của Mi-an-ma được quy hoạch theo nhiều khu gồm dinh thự làm việc của Quốc hội, Chính phủ, khu dân cư, khách sạn cao cấp, khu mua sắm… Chắc hẳn ai đến Nay Pyi Taw cũng sẽ choáng ngợp trước quy mô của các tòa nhà công quyền, đặc biệt là Tòa nhà Quốc hội nguy nga như một cung điện khổng lồ. Xét về sự đồ sộ thì Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Nay Pyi Taw khó có “đối thủ” trên thế giới. Thủ đô mới của Mi-an-ma cũng có hàng trăm khách sạn với quy mô khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi chúng được thiết kế rộng rãi như tiêu chuẩn của những khu nghỉ dưỡng cao cấp ở nước khác. Trong khi đó, Sân bay Quốc tế Nay Pyi Taw  được xây dựng  để đón 10 triệu lượt khách/ năm.

Khác với thủ đô cũ Yangon sầm uất nhưng ngột ngạt bởi cơ sở hạ tầng bị quá tải, thực sự Nay Pyi Taw là thủ đô của tương lai với tầm nhìn lớn lao về quy hoạch tổng thể. Cũng có lẽ vì là thủ đô của tương lai nên  nhịp sống hiện tại ở Nay Pyi Taw vẫn chậm rãi đến mức gần như trầm lắng. Dân cư thưa thớt, tại Nay Pyi Taw hầu như không có hoạt động buôn bán nào ngoài một vài siêu thị và những gian hàng đá quý nằm trong khuôn viên Bảo tàng đá quý quốc gia. Dù bất tiện vì đi lại làm việc xa xôi, nhưng đoàn ngoại giao mới chỉ rục rịch chuẩn bị chuyển từ Yangon đến Nay Pyi Taw. Những khuôn đất bên một đại lộ hoành tráng đã được chia lô để các nước thuê xây Đại sứ quán với giá gần 3 triệu USD trong vòng 50 năm.

Có mặt tại Nay Pyi Taw ngày 6-8-2014, nghĩa là ngày đầu tiên của các cuộc Họp nhóm quan chức cao cấp ASEAN (SOM), dù quốc kỳ các nước và  áp phích chào mừng Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM 47) và các hội nghị liên quan đã được giương treo trên các trục đường song khó có thể cảm nhận được không khí của một trong những hoạt động quan trọng nhất của năm Mi-an-ma làm Chủ tịch ASEAN. Bên cạnh một lễ hội văn hóa kỷ niệm Ngày ASEAN (8-8) khá đặc sắc thì Trung tâm Báo chí phục vụ AMM 47 vẫn chưa mở cửa, trong khi Trung tâm Hội nghị Quốc tế vẫn chỉ thưa thớt bóng dáng của vài nhà ngoại giao và dăm anh cảnh vệ.

Khách thăm gian trưng bày của Việt Nam tại lễ hội văn hóa kỷ niệm Ngày ASEAN tại Nay Pyi Taw.

Một bé gái Mi-an-ma đội nón quai thao khi thăm gian trưng bày của Việt Nam tại lễ hội văn hóa kỷ niệm Ngày ASEAN tại Nay Pyi Taw.

Thế nhưng, có lẽ dù Nay Pyi Taw có trầm lắng đến đâu cũng chẳng thể cưỡng lại sự sôi động trong những ngày tới khi những người đứng đầu giới ngoại giao của 10 nước ASEAN và các đối tác tầm cỡ như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga… tụ hội về đây với nghị trình bận rộn thường thấy của các cuộc họp ASEAN. Tại Nay Pyi Taw sẽ diễn ra khoảng 20 cuộc họp giữa các nước ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác và Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) với sự tham gia của 27 quốc gia. Không chỉ nhộn nhịp về mặt hình thức mà các cuộc họp sắp tới ở Nay Pyi Taw còn “nóng bỏng” về mặt nội dung.

Các cuộc họp ASEAN lần này sẽ đánh giá lại tình hình khu vực trong một năm có nhiều diễn biến phức tạp vừa qua và đề ra các biện pháp nhằm tăng cường đoàn kết nội khối, hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Đây cũng là dịp để ASEAN họp bàn với tất cả các đối tác để tăng cường hợp tác một cách thực chất, giữ vững vai trò chủ đạo của ASEAN trong thời kỳ bối cảnh chiến lược của khu vực có nhiều biến động. Một chủ đề chắc chắn sẽ được bàn thảo kỹ lưỡng tại các cuộc họp sắp tới là vấn đề Biển Đông. Thời gian qua, các nước ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước những diễn biến nguy hiểm trên Biển Đông do những hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế và các cam kết khu vực của Trung Quốc. Vì vậy, các hội nghị lần này là cơ hội để các nước cùng nhau thảo luận, đưa ra những đề xuất để luật pháp quốc tế, các thỏa thuận khu vực được thực thi một cách đầy đủ và nghiêm túc, nhằm bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, vùng biển có tầm quan trọng sống còn đối với thế giới.

Bài và ảnh: BẢO TRUNG (gửi từ Nay Pyi Taw)