Sáng kiến trên nằm trong một kế hoạch chung vừa được Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO thông qua, nhằm bảo vệ liên minh trong trường hợp xảy ra xung đột và khủng hoảng. Theo đó, quỹ trị giá 1 tỷ euro (tương đương 1,65 tỷ USD) này sẽ được khởi động để đầu tư cho các dự án phát triển các loại công nghệ mới lưỡng dụng, có thể ứng dụng cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh như trí tuệ nhân tạo (AI)...

Quỹ sẽ hỗ trợ các công ty khởi nghiệp phát triển các công nghệ tiên tiến, có tiềm năng ứng dụng cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Một trong những hướng đi từng được đề cập là thiết lập một trung tâm chuyển đổi công nghệ mới, phối hợp giữa các quân nhân và ngành công nghiệp để thúc đẩy các công ty khởi nghiệp quốc phòng kỹ thuật số.

Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, quỹ này sẽ bảo đảm để các đồng minh của NATO không bỏ lỡ các công nghệ và năng lực tân tiến nhất, vốn là những yếu tố rất quan trọng đối với an ninh của khối.

Việc khởi động quỹ này chỉ còn là vấn đề thời gian sau khi bộ trưởng quốc phòng 17 nước thành viên bao gồm Bỉ, Cộng hòa Séc, Estonia, Đức, Hy Lạp, Hungary, Italy, Latvia, Litva, Luxembourg, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Slovakia, Slovenia và Vương quốc Anh cùng đặt bút ký kết thỏa thuận.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (bên trái) và Tổng thư ký NATO tại cuộc họp Bộ trưởng NATO mới đây tại Brussels (Bỉ). Ảnh: AP

Cũng nằm trong mục tiêu tăng cường năng lực phòng thủ, NATO tuyên bố cho ra đời Sáng kiến DIANA-sáng kiến máy gia tốc đổi mới quốc phòng cho khu vực Bắc Đại Tây Dương.

Theo đó, NATO cam kết cung cấp mạng lưới các trung tâm thử nghiệm công nghệ và các cơ sở máy gia tốc trên khắp liên minh để khai thác tốt hơn những đổi mới cho lĩnh vực bảo mật.

Dự án quỹ đổi mới và sáng kiến DIANA nói trên được trông đợi sẽ giúp các đồng minh NATO sử dụng và vận hành các công nghệ mới một cách thông suốt giữa các lực lượng của mình và giữa các lực lượng của chính NATO. 

Nhằm chứng tỏ quyết tâm hành động, các bộ trưởng quốc phòng NATO cũng đã nhất trí về chiến lược AI đầu tiên của liên minh quân sự này.

Được biết, kế hoạch về quỹ đổi mới được giữ bí mật tới phút chót nhằm cho phép liên minh quân sự gồm 30 nước thành viên ứng phó với các mối đe dọa đồng thời từ các cuộc tấn công trên bộ đến các cuộc tấn công mạng có thể khởi phát từ bất kỳ vị trí địa lý nào trên thế giới.

NATO cho ra đời kế hoạch nói trên trong bối cảnh liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương này đang nhấn mạnh yêu cầu phải duy trì đoàn kết sau những bài học đắt giá được rút ra từ hai thập kỷ triển khai lực lượng tại Afghanistan trong bất đồng.

Theo Tổng thư ký NATO: “Cuộc khủng hoảng ở Afghanistan không làm thay đổi yêu cầu châu Âu và Bắc Mỹ phải đoàn kết với nhau trong NATO”.

Nhân dịp tuyên bố về kế hoạch ra mắt quỹ, ông khẳng định NATO sẽ không triển khai các tên lửa mới mang đầu đạn hạt nhân ở châu Âu. Ông nhấn mạnh không có sự cạnh tranh giữa Liên minh châu Âu (EU) và NATO, ngược lại NATO hoan nghênh mong muốn của Brussels trong việc củng cố quốc phòng.

Tuy nhiên, không khó để nhận ra đằng sau những nỗ lực trên của NATO là mối lo ngại trước các đối thủ đã đi trước trong việc phát triển những công nghệ mới ứng dụng cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Có thể thấy Nga và Trung Quốc đã vượt lên dẫn đầu về tác chiến trên không gian mạng và trong lĩnh vực AI.

Giới phân tích cho rằng NATO cần phải đẩy nhanh tốc độ nếu muốn đuổi kịp các đối thủ trong lĩnh vực này. Chính Tổng thư ký Jens Stoltenberg từng thừa nhận những nỗ lực của NATO đã là muộn.

Ông dẫn chứng rằng Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào các công nghệ mới, mang tính đột phá như AI, hệ thống điều khiển tự động, dữ liệu lớn và triển khai vào các hệ thống vũ khí tiến tiến, máy bay không người lái, tàu ngầm...

Trên thực tế, một số thành viên hàng đầu của NATO cũng đã đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực công nghệ mới. Trong đó, Mỹ và Pháp đã công bố các chiến lược AI quân sự, Anh cũng tuyên bố thành lập Trung tâm AI quốc phòng. 

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng NATO cần phải có một trung tâm chung mới có thể giúp các công ty công nghệ và lực lượng vũ trang thử nghiệm những ý tưởng mới.

Trong đó, đáng chú ý quốc gia cầm trịch trong NATO là Mỹ đã xây dựng quan hệ đối tác với nhiều nước về AI quân sự, trong đó bao gồm một số thành viên của khối.

Nhóm Đối tác trí tuệ nhân tạo cho quốc phòng gồm 13 thành viên đã cùng họp lần đầu tiên vào năm ngoái để thống nhất các tiêu chuẩn quân sự chung về AI. Trong một thế giới đầy biến động khó lường và cạnh tranh khốc liệt, những nỗ lực của NATO tuy muộn vẫn còn hơn không.

MAI NGUYÊN