Kỷ lục mới bị “xô đổ”
Hãng tin Reuters đưa tin, ngày 4-7, Trung tâm Dự báo Môi trường Quốc gia Mỹ (NCEP) công bố, ngày 3-7-2023 là ngày nóng nhất từ trước đến nay. Cụ thể, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong ngày 3-7 đã tăng lên 17,01 độ C, vượt qua con số kỷ lục được ghi nhận vào tháng 8-2016 là 16,92 độ C trong bối cảnh các đợt nắng nóng xảy ra khắp thế giới.
Nắng nóng gay gắt quyét qua miền Nam nước Mỹ. Corpus Christi, một thành phố ở Texas, đã báo cáo nhiệt độ kỷ lục vào tháng 6 là 51 độ C. Nhiệt độ tương tự cũng được ghi nhận ở Oklahoma, Arkansas, Missouri và Louisiana.
 |
Nhiều quốc gia đã lưu ý người dân cẩn thận khi đi ra ngoài trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Ảnh: Getty Images
|
Ở Trung Quốc, đợt nắng nóng tiếp tục kéo dài, trong đó Bắc Kinh trải qua gần 10 ngày nóng liên tục với nhiệt độ vượt quá 35 độ C. Ở một số khu vực ở Bắc Phi ghi nhận nhiệt độ lên gần 50 độ C. Ngay cả Nam Cực, nơi đang trong mùa đông, cũng ghi nhận nhiệt độ cao bất thường khi lập kỷ lục mới 8,7 độ C.
Trước đó, tình trạng nắng nóng kỷ lục cũng được ghi nhận tại Anh khi nhiệt độ trung bình tại nước này đạt 15,8 độ C trong tháng 6, mức cao nhất trong gần 140 năm qua. Con số này vượt mức kỷ lục 14,9 độ C được ghi nhận vào năm 1940 và 1976. Các chuyên gia khí tượng nước này cũng cảnh báo rằng, các kỷ lục về nhiệt độ có khả năng sẽ bị “xô đổ” bởi biến đổi khí hậu do chính con người gây ra.
Friederike Otto, nhà khoa học khí hậu thuộc Viện Môi trường và Biến đổi Khí hậu Grantham tại Đại học Hoàng gia Anh nói rằng: “Đây không phải là một cột mốc quan trọng mà chúng ta nên ăn mừng” mà là “bản án tử hình đối với con người và hệ sinh thái”.
Theo các nhà khoa học, tình trạng nhiệt độ tăng cao bất thường là do biến đổi khí hậu, cùng với hiện tượng El Nino. Zeke Hausfather, một nhà nghiên cứu khoa học tại Berkeley Earth, cho rằng tình trạng nắng nóng đang diễn ra “chỉ là khởi đầu trong một loạt các kỷ lục mới trong năm nay” khi lượng khí thải và khí nhà kính ngày càng tăng cùng với sự quay trở lại của hiện tượng El Nino.
Hệ lụy về sức khỏe
Tình trạng nắng nóng đang ngày càng trở nên phổ biến trên toàn cầu với những đợt nắng nóng kéo dài hơn và thường xuyên hơn. Thời tiết khắc nghiệt cộng với tình trạng mất điện, nước kéo dài không những làm đảo lộn cuộc sống, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
Trong báo cáo mới đây, Bộ Y tế Mexico cho biết, đã có ít nhất 100 người chết trong hai tuần cuối tháng 6 do các nguyên nhân liên quan đến nắng nóng khi nước này trải qua nhiệt độ thiêu đốt lên tới gần 50 độ C ở một số khu vực. Cũng theo cơ quan y tế nước này, số ca tử vong do nắng nóng trong năm nay cao gần gấp 3 lần so năm 2022. Ngoài ra, hàng nghìn người cũng đã phải nhập viện vì tình trạng sức khỏe yếu do nắng nóng.
Tại Ấn Độ, gần 200 người đã thiệt mạng ở miền Trung nước này do nắng nóng gay gắt khi nhiệt độ lên tới khoảng 40-43 độ C. Tình trạng quá tải được ghi nhận ở nhiều bệnh viện khi số ca nhập viện do say nắng, say nóng tăng lên nhanh chóng.
Tại Mỹ đã ghi nhận ít nhất 14 trường hợp tử vong do nắng nóng ở Texas và Louisian. Theo báo cáo của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), trung bình có khoảng 702 người Mỹ tử vong mỗi năm do nắng nóng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác ước tính con số thiệt mạng do nhiệt độ cao có thể lên tới gần 1.300 người mỗi năm.
Theo báo cáo từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ năm 1998-2017, đã có hơn 166.000 người chết vì nắng nóng, trong đó có hơn 70.000 người chết trong đợt nắng nóng xảy ra năm 2003 ở châu Âu.
 |
Nắng nóng ở Dallas (bang Texas, Mỹ). Ảnh: AP |
Theo các chuyên gia y tế cho biết, nhiệt độ quá cao gây ra rối loạn chức năng tế bào, ngăn cản các tế bào hoạt động bình thường. Robert Shesser, Trưởng khoa cấp cứu tại Trường Y khoa và Khoa học sức khỏe thuộc Đại học George Washington, cho biết: “Trong môi trường nhiệt độ cao, các tế bào của bạn, chịu trách nhiệm cho tất cả quá trình trong cơ thể, trở nên yếu hơn trong thực hiện vai trò của chúng”.
Ông nói thêm rằng, tình trạng đó có thể sẽ ảnh hưởng đến não, tim và các cơ quan khác trong cơ thể. Trong một số trường hợp, rối loạn chức năng tế bào do nhiệt độ quá cao sẽ ngăn cơ thể sử dụng các cơ chế hạ nhiệt, chẳng hạn như đổ mồ hôi, từ đó làm trầm trọng thêm các bệnh liên quan đến nhiệt.
Dự báo tình trạng nắng nóng sẽ tiếp tục gia tăng với cường độ gay gắt hơn trong thời gian tới. Một số quốc gia cũng đã có các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro sức khỏe của người dân, đặc biệt là ở người già, những người mắc bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai, người vô gia cư và người làm việc ngoài trời, do tình trạng cực đoan của thời tiết. Ngoài nâng cao năng lực cảnh báo về các đợt nắng nóng sắp xảy ra, nhiều quốc gia đã và đang đẩy mạnh xanh hóa môi trường đô thị, tăng cường truyền thông nhằm thay đổi hành vi của người dân và tập trung hỗ trợ những nhóm người yếu thế trong xã hội.
TRẦN HOÀI