Theo trang mạng news.cgtn.com của Trung Quốc, việc lựa chọn Alaska làm địa điểm diễn ra cuộc gặp gỡ có ý nghĩa biểu tượng đáng chú ý, phản ánh mối quan hệ “băng giá” giữa hai quốc gia. Vì vậy, cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên này được kỳ vọng sẽ đưa quan hệ Mỹ-Trung bước sang trang mới sau 4 năm quan hệ song phương rơi xuống mức thấp nhất.

Tham dự cuộc gặp, về phía Mỹ có Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, về phía Trung Quốc có Ủy viên quốc vụ Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị. Phát biểu khai mạc, Ngoại trưởng Mỹ Blinken khẳng định, Washington không tìm kiếm xung đột với Bắc Kinh nhưng sẽ sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc thế giới. Cũng theo ông Blinken, Mỹ sẽ thảo luận về những quan ngại sâu sắc của mình trước những hành động của Trung Quốc vốn “đang đe dọa trật tự dựa trên luật lệ”, cũng như những hành động chèn ép về kinh tế của Bắc Kinh với các đồng minh của Mỹ.

Quang cảnh cuộc đối thoại Mỹ-Trung ngày 18-3. Ảnh: Getty Images 

Về phần mình, Ủy viên quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng, chính Mỹ đang sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để gây sức ép với các nước khác, đồng thời lạm dụng an ninh quốc gia để đe dọa tương lai của thương mại quốc tế. Ông khẳng định, Trung Quốc sẽ kiên quyết phản đối Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của nước này, song vẫn bày tỏ hy vọng hai bên sẽ không xảy ra xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng.

“Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại” khiến phần phát biểu khai mạc lẽ ra chỉ diễn ra vài phút thì lại kéo dài tới một giờ. Ngay sau phiên khai mạc, hai bên tiến hành các cuộc đàm phán, trong đó đề cập tới nhiều vấn đề nổi cộm như: Thương mại, đại dịch Covid-19, những động thái của Trung Quốc tại Biển Đông và an ninh mạng. Phía Mỹ đã tận dụng cuộc gặp này nhằm làm rõ những ưu tiên, lợi ích của Mỹ và lắng nghe điều tương tự từ phía Trung Quốc. Trong khi đó, ông Dương Khiết Trì đã cáo buộc Mỹ không tôn trọng nghi thức ngoại giao bằng cách công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào các quan chức Trung Quốc trước thềm cuộc hội đàm. Ông Dương Khiết Trì kêu gọi Washington không can thiệp các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, tuân thủ các quy ước ngoại giao cần thiết khi làm việc với Trung Quốc.

Tại Bắc Kinh, phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 19-3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian cho biết, đối thoại Mỹ-Trung vẫn còn nhiều vấn đề mâu thuẫn, đồng thời khẳng định đây không phải là điều mà Bắc Kinh mong muốn.

Cuộc đối thoại Mỹ-Trung đầu tiên dưới thời cầm quyền của Tổng thống Joe Biden diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước xấu đi nghiêm trọng suốt 4 năm dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump. Hai nước liên tục có những đòn trả đũa gay gắt và cáo buộc lẫn nhau trong cả vấn đề song phương và đa phương. Ông Trump dùng thuế quan và các lệnh trừng phạt để giải quyết những than phiền dai dẳng về việc Trung Quốc thiếu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cưỡng bức chuyển giao công nghệ và các hoạt động kinh doanh không công bằng khác. Tranh chấp ban đầu tập trung vào thương mại, sau đó lan sang công nghệ, tài chính và nguồn gốc của đại dịch Covid-19. Tháng 6-2020, cuộc gặp trực tiếp giữa các quan chức Washington và Bắc Kinh cũng không mang lại hiệu quả để xoa dịu căng thẳng.

Cả Mỹ và Trung Quốc được cho là không đặt quá nhiều kỳ vọng vào đối thoại lần này. Thậm chí, theo lời một số quan chức cấp cao Mỹ, hai bên có thể không ra tuyên bố chung hoặc thông báo lớn nào sau cuộc gặp. Phía Trung Quốc cũng khẳng định không mong đợi cuộc đối thoại lần này có thể giải quyết được tất cả các vấn đề giữa hai bên. Dẫu vậy, cuộc gặp lần này vẫn được coi là tiền đề cho các cuộc tiếp xúc cấp cao tiếp theo nhằm “cài đặt lại” quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sau một thời gian dài căng thẳng. Hiện vẫn còn dư địa hợp tác cho hai nước trong một số lĩnh vực như đẩy lùi đại dịch Covid-19, ứng phó với biến đổi khí hậu và khôi phục cơ chế trao đổi bị gián đoạn giữa hai nước.

BÌNH NGUYÊN