Theo Reuters, ngày 12-9 (giờ Hà Nội), trong một sự kiện ở thành phố New York, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden, Phó tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đã có lần xuất hiện hiếm hoi cùng nhau nhằm tưởng niệm các nạn nhân.
Tổng thống Biden không có bài phát biểu tại Khu vực số 0 (Ground Zone)-nơi được xây dựng trên nền tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới bị hai máy bay của những kẻ khủng bố đâm thẳng và đổ sụp ngày 11-9-2001. Thay vào đó, người thân của các nạn nhân đọc to tên của gần 3.000 nạn nhân thiệt mạng. Rất nhiều người đã đến đây để đặt hoa và thắp nến. Ngoài đau thương, mất mát đối với các gia đình nạn nhân xấu số, không ít người sống sót cũng phải trải qua giai đoạn khó khăn do bệnh tật; hơn 117.000 người nằm trong diện chăm sóc y tế hậu 11-9.
|
|
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Phó tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump tại lễ tưởng niệm ngày 11-9 ở New York. Ảnh: Reuters |
Đáng chú ý, tại sự kiện trên, Phó tổng thống Harris và cựu Tổng thống Trump đã vui vẻ bắt tay và trao đổi ngắn với nhau, dù trước đó một ngày, hai bên có cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania.
Trước đó, trong một tuyên bố, Phó tổng thống Harris khẳng định, ngày 11-9 hằng năm là ngày tưởng niệm trang trọng để nước Mỹ bày tỏ lòng thương tiếc những người đã mất trong vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001. “Chúng ta sẽ mãi đoàn kết với gia đình và những người thân yêu của họ...”, bà Harris nhấn mạnh trong tuyên bố.
Sau New York, ông Biden và bà Harris tới thành phố Shanksville, bang Pennsylvania-nơi một chiếc máy bay bị những kẻ khủng bố kiểm soát và đâm thẳng xuống đất. Tại đài tưởng niệm, ông Biden đặt vòng hoa tưởng nhớ 40 hành khách và phi hành đoàn nhất quyết chống cự không để những kẻ khủng bố lao máy bay xuống mục tiêu ban đầu là trụ sở Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington D.C. Ngoài ra, Tổng thống và Phó tổng thống Mỹ đã trò chuyện với gia đình các nạn nhân và đi thăm sở cứu hỏa địa phương. Cựu Tổng thống Trump cũng đến Shanksville trong một chuyến đi riêng rẽ. “Đó là một ngày khủng khiếp và rất đáng buồn. Chưa bao giờ xảy ra chuyện gì như vậy”, Reuters dẫn lời phát biểu của ông Trump.
Tiếp đó, Tổng thống Biden và Phó tổng thống Harris đến đài tưởng niệm tại Lầu Năm Góc-nơi một chiếc máy bay bị những kẻ khủng bố kiểm soát đâm vào phía Tây trụ sở này, khiến 64 người trên máy bay và 125 người dưới mặt đất thiệt mạng. “Vào ngày này 23 năm trước, những kẻ khủng bố tin rằng chúng có thể bẻ gãy ý chí của chúng ta và bắt chúng ta phải khuất phục. Chúng đã sai. Chúng sẽ luôn sai. Trong những giờ phút đen tối nhất, chúng ta đã tìm thấy ánh sáng. Và trước nỗi sợ hãi, chúng ta đã đoàn kết lại để bảo vệ đất nước và giúp đỡ lẫn nhau”, Tổng thống Biden nêu rõ.
Từ năm 2009, ngày 11-9 được Quốc hội Mỹ thông qua và trở thành Ngày Quốc gia về phụng sự và tưởng nhớ, để khắc ghi một ngày buồn trong lịch sử nước này. Đồng thời, gia đình các nạn nhân và nhiều nghị sĩ tại Quốc hội Mỹ cũng đang vận động để đưa ngày 11-9 thành ngày lễ liên bang.
Gần đây, Chính phủ Mỹ tuyên bố hủy thỏa thuận nhận tội với Khalid Sheikh Mohammed, nghi phạm chủ mưu vụ tấn công khủng bố ngày 11-9, khiến hắn và đồng phạm có thể lĩnh án tử hình. Đề xuất thỏa thuận nhận tội từng gây nhiều tranh cãi từ gia đình các nạn nhân khi một số người muốn các bị cáo phải đối mặt với án tử.
VĂN HIẾU
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.