RT dẫn nguồn truyền thông Đức đưa tin, Mỹ sắp công bố kế hoạch cắt giảm lực lượng quân sự tại châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang chuẩn bị cho kịch bản này. Báo Handelsblatt của Đức dẫn lời các nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu cho biết về khả năng Mỹ sẽ công bố việc cắt giảm lực lượng quân sự tại châu Âu trong “những tháng tới”. Dù quy mô chính xác của đợt rút quân vẫn chưa rõ ràng nhưng nguồn tin cho biết NATO đang chuẩn bị cho diễn biến này.

Quân đội Mỹ tại Ba Lan (ảnh minh họa). Ảnh: Getty 

Thông tin về khả năng Mỹ rút quân khỏi châu Âu đã lan truyền trên các phương tiện truyền thông kể từ khi NBC News hồi tháng 4 cho biết Washington đang cân nhắc rút tới 10.000 quân khỏi Đông Âu. Sau đó Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng xác nhận ông đang cân nhắc rút quân một phần, nhưng không nêu rõ quy mô hoặc lịch trình rút quân. Vào giữa tháng 5, Đại sứ Mỹ tại NATO Matthew Whitaker cho biết Washington có kế hoạch bắt đầu đàm phán về khả năng rút quân với các thành viên NATO khác sau hội nghị thượng đỉnh của khối vào tháng 6, nhưng ông cũng thừa nhận chưa có gì được xác định.

Thời gian gần đây, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần ám chỉ việc nước này muốn chuyển hướng khỏi sự hỗ trợ quân sự kéo dài hàng thập kỷ dành cho châu Âu. Suốt nhiều năm qua, Mỹ đã phải gánh vác những gánh nặng quân sự tốn kém ở châu Âu bao gồm cung cấp hậu cần, vận chuyển chiến lược, truyền thông, tình báo, trinh sát, tác chiến điện tử trên không và lấp đầy kho dự trữ đạn dược.

Báo cáo do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) công bố giữa tháng này đã nêu bật mức chi phí cao các nước châu Âu phải đối mặt để lấp đầy khoảng trống an ninh, nếu quân đội Mỹ thu hẹp quy mô hoạt động trong khu vực. Politico trích dẫn báo cáo của IISS ước tính chi phí thay thế thiết bị và nhân sự của Mỹ sau khi rút quân có thể lên tới khoảng 1.000 tỷ USD trong vòng 25 năm.

Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về việc thành lập quỹ mua sắm quốc phòng trị giá 150 tỷ euro (khoảng 163 tỷ USD) dưới hình thức cho vay. Mục đích của quỹ này là nhằm củng cố năng lực phòng thủ chung của khối nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh và khả năng chính quyền Tổng thống Donald Trump giảm dần sự hiện diện quân sự tại châu Âu hoặc rút khỏi các cam kết xuyên Đại Tây Dương.

Theo Bộ tư lệnh châu Âu của Mỹ, tính đến đầu năm 2025, có gần 84.000 quân Mỹ đồn trú tại châu Âu, tập trung nhiều nhất ở Đức, Ba Lan và các đợt triển khai quy mô nhỏ hơn ở Romania, Estonia và Lithuania.

Tuy nhiên, bất chấp các tin tức liên quan tới khả năng Mỹ rút quân, trong chuyến thăm Lithuania tuần này, Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã công khai phủ nhận suy đoán về việc này, đồng thời khẳng định không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ rút quân khỏi châu Âu.

RT dẫn các nguồn tin từ EU cho rằng, kế hoạch rút quân có thể liên quan đến chiến lược quốc phòng mới của Mỹ. Tổng thống Donald Trump hôm 24-5 đã có bài phát biểu gây chú ý tại Học viện Quân sự West Point, trong đó phác thảo rõ nét chiến lược quốc phòng mới của ông trong nhiệm kỳ thứ hai, vẫn được gọi là "Trump 2.0". Trong đó, nhà lãnh đạo Mỹ đã tái khẳng định tầm nhìn về một quân đội Mỹ mạnh mẽ, hiện đại, tập trung vào bảo vệ lợi ích quốc gia. Đồng thời, ông cũng tái khẳng định cam kết giảm can thiệp quân sự ở nước ngoài, tập trung vào các giải pháp hòa bình nhưng không nhân nhượng trước các mối đe dọa.

Theo Economist, ông Donald Trump đã tận dụng bài phát biểu tại Học viện Quân sự West Point để gửi thông điệp rằng Mỹ sẽ không còn đóng vai trò "cảnh sát toàn cầu" như trước đây, mà thay vào đó tập trung vào việc xây dựng một lực lượng quân sự "không thể bị đánh bại" để bảo vệ lợi ích quốc gia và răn đe các đối thủ.

XUÂN PHONG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.