Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, các nhà lãnh đạo 29 nước thành viên cùng thảo luận để đưa ra quyết định về việc tăng cường khả năng răn đe và tiềm lực quốc phòng của NATO, đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố cũng như vấn đề chia sẻ gánh nặng chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra yêu cầu tăng mức chi tiêu quốc phòng trong chính cuộc họp bàn mà tại đó các nhà lãnh đạo thảo luận về việc chia sẻ gánh nặng tài chính.

Ông Donald Trump đã rời phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels trong ngày 11-7 sau khi đưa ra đề xuất gây bất ngờ cho các thành viên NATO về việc tăng mức chi tiêu quốc phòng lên 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), theo báo Guardian. Trong khi đó, mức chi tiêu quốc phòng hiện tại là 2%, được các bên nhất trí trong Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2014 tại Wales, đã khiến nhiều nước thành viên NATO cảm thấy “nặng nề”. Trước thềm hội nghị, ông chủ Nhà Trắng liên tục chỉ trích các nước thành viên NATO về việc không thực hiện đúng cam kết chi tiêu quốc phòng hằng năm ở mức 2% GDP và khẳng định sẽ không để “điều bất công” này tiếp diễn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đến Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels (Bỉ) hôm 11-7. Ảnh: Reuters.

Sau khi đưa ra tuyên bố này, ông Donald Trump bước ra khỏi phòng họp, khiến các nguyên thủ còn lại hoang mang, không chắc liệu ông có nghiêm túc về mục tiêu 4% hay không. Chính Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders sau đó đã xác nhận lại con số 4% này. Bà cho biết: "Trong những phát biểu hôm nay của Tổng thống tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, ông đã đề nghị các nước không chỉ cần hoàn thành cam kết đóng góp 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng, mà còn phải tăng lên 4%". Bà Sarah Sanders nói thêm: "Tổng thống Donald Trump muốn thấy các đồng minh của Mỹ chia sẻ thêm gánh nặng tài chính và hoàn thành các trách nhiệm ở mức tối thiểu”. Bên cạnh đó, bà cũng nhấn mạnh, ông Donald Trump đã nêu vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh NATO năm ngoái. Tuy nhiên, các quan chức từ những nước khác ngạc nhiên trước thông tin này.

Trong phiên họp kín không có báo chí tham dự, ông Donald Trump cũng nêu tên 5 nước thành viên đã đáp ứng mục tiêu chi tiêu quốc phòng với mức 2% như hiện tại và 23 nước không hoàn thành. Theo số liệu mới được công bố của NATO, các nước đáp ứng hoặc vượt mục tiêu 2% đó là: Mỹ (trên 3,6%), Hy Lạp (trên 2,2%), Estonia (2,14%), Anh (2,10%) và Ba Lan (2%). Hai nước Pháp (1,8%) và Đức (1,2%) thuộc nhóm các quốc gia thành viên không hoàn thành mục tiêu 2%.

Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ đã bày tỏ sự bực bội và yêu cầu các nước thành viên NATO phải đáp ứng mức chi tiêu quốc phòng 2% ngay lập tức. Ông viết: "Tại sao chỉ có 5 trong số 29 quốc gia thực hiện cam kết của mình? Mỹ đang chi tiền để bảo vệ châu Âu và mất hàng tỷ USD cho vấn đề thương mại. Vì vậy các quốc gia thành viên NATO phải chi 2% GDP ngay lập tức, chứ không phải tới năm 2025”. 

Bên cạnh những bất đồng về mức chi tiêu quốc phòng, Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels đã đạt được một số kết quả nhất định. Sau ngày họp đầu tiên hôm 11-7, lãnh đạo các nước thành viên NATO đã nhất trí phát triển một chính sách không gian toàn diện của liên minh này. Ngoài việc nhất trí tăng cường phòng thủ và răn đe của liên minh trên biển và trên không, NATO đã quyết định khởi động sáng kiến về bảo đảm tăng cường lực lượng sẵn sàng chiến đấu và thiết lập hai đơn vị chỉ huy mới trên đất liền trong cơ cấu chỉ huy của mình. NATO cũng công bố thành lập một nhóm hỗ trợ và cung cấp trợ giúp cho các đồng minh trong trường hợp bị đe dọa, đồng thời tiếp tục ủng hộ các đối tác tăng cường khả năng thích ứng với các thách thức lớn.

Các lãnh đạo cũng quyết định tăng cường vai trò của NATO trong cuộc chiến chống khủng bố. Cùng với đó, NATO cũng cần ấn định việc khởi động một chương trình đào tạo mới tại Iraq với hàng trăm chuyên gia huấn luyện của khối. Theo kế hoạch, Canada sẽ đảm nhận vài trò lãnh đạo huấn luyện tại Iraq từ mùa thu năm 2018 đến mùa thu năm 2019. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, trong mục tiêu răn đe, NATO sẽ thông qua kế hoạch “4x30”. Cụ thể, đến năm 2020, NATO có 30 tiểu đoàn trên bộ, 30 phi đội bay chiến đấu và 30 tàu hải quân như tàu khu trục, sẵn sàng triển khai trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được cảnh báo.

Các nước thành viên NATO cũng đã quyết định mở rộng hỗ trợ tài chính cho quân đội Afghanistan đến năm 2024. Trong một tuyên bố đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh, NATO tái khẳng định cam kết của tổ chức này nhằm bảo đảm an ninh và ổn định lâu dài ở Afghanistan và chỉ ra rằng các đối tác nước ngoài nên đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Afghanistan.

LÂM ANH