Trong một bài viết mới đây, trang tin Eurasia News đánh giá Pháp sở hữu tổ hợp công nghiệp, quân sự hàng đầu ở châu Âu. Nếu xét trên bình diện thế giới, đất nước hình lục lăng có lẽ chỉ đứng sau Mỹ và Nga ở lĩnh vực này. “Nền CNQP Pháp là ngôi sao sáng ở phương Tây.

Nước này có đủ khả năng thiết kế và sản xuất tất cả các loại vũ khí, trang bị quân sự hiện đại, từ xe bọc thép, máy bay chiến đấu, trực thăng, tàu ngầm cho đến tên lửa, radar, hệ thống vũ trụ tân tiến...”, Eurasia News trích dẫn nhận định bởi tạp chí chuyên ngành Military Review của Lục quân Mỹ nhấn mạnh.

Nền CNQP Pháp đang được định hướng phát triển theo học thuyết phản ánh trong Sách trắng về quốc phòng và an ninh quốc gia năm 2013 và Chương trình xây dựng trang bị kỹ thuật của lực lượng vũ trang giai đoạn 2019-2025. 

leftcenterrightdel
 Máy bay chiến đấu Rafale của Pháp “đắt hàng” trong những năm gần đây. Ảnh: Dassault Aviation

Hiện nước này có khoảng 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNQP, chiếm 25% năng lực sản xuất vũ khí trang bị của châu Âu, với nhiều tên tuổi lớn như: Dassault Aviation, Naval Group, Airbus Group, MBDA, Safran và Thales.

Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu của lực lượng vũ trang nhằm bảo đảm “quyền tự chủ chiến lược”, Pháp cũng khẳng định vị thế cường quốc của mình thông qua xuất khẩu vũ khí. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), những năm qua, Pháp luôn có mặt trong danh sách “bộ ba” nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga.

Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, xuất khẩu vũ khí của Pháp chiếm 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Đây là mức xuất khẩu vũ khí trong giai đoạn 5 năm cao kỷ lục mà chính quyền Paris ghi nhận được kể từ năm 1990.

Đến nay, Pháp đã bán vũ khí cho 75 quốc gia, trong đó các khách hàng lớn nhất là Ấn Độ, Ai Cập và Qatar. Theo dự báo của SIPRI, với tất cả đơn đặt hàng đã được ký kết, xuất khẩu vũ khí Pháp sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong nhiều năm tới.

Tuy nhiên, những con số tích cực trên đã khiến ngành CNQP xứ lục lăng “vào tầm ngắm” của Mỹ. Dù thị phần xuất khẩu vũ khí Pháp trong giai đoạn trên còn khá khiêm tốn so với hai nước dẫn đầu là Mỹ (37%) và Nga (20%) nhưng không vì thế mà Washington lại khoanh tay đứng nhìn.

Thực tế, Mỹ cũng coi Pháp là một đối thủ trong bối cảnh cuộc đua giành “miếng bánh” trên thị trường vũ khí quốc tế ngày càng khốc liệt hơn do cạnh tranh gia tăng từ các nhà cung cấp khác như Anh, Trung Quốc, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ. “Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Mỹ đang tìm cách cản trở hoặc ngăn chặn các đơn đặt hàng vũ khí của Pháp”, Eurasia News nhận định.

Hẳn dư luận chưa thể quên được biến cố rúng động thế giới vào tháng 9-2021 khi Mỹ gạt Pháp sang một bên để bất ngờ tuyên bố thành lập liên minh an ninh ba bên với Anh và Australia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AUKUS).

Động thái “đi đêm” này khiến Paris vuột mất “hợp đồng thế kỷ” đóng tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD với Canberra, đồng thời khiến niềm tin giữa Pháp và Mỹ-hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)-suy giảm nghiêm trọng.

Dẫu vậy, đây không phải là một ví dụ cá biệt. Khi xâu chuỗi các sự kiện, có thể thấy Washington đã gây trở ngại đáng kể cho các kế hoạch xuất khẩu của ngành CNQP Pháp trong thời gian dài.

Còn nhớ, hồi giữa năm 2015, dưới áp lực của Mỹ với lý do Nga chưa thể hiện vai trò tích cực giúp chấm dứt cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine, Pháp buộc phải hủy hợp đồng bàn giao hai tàu sân bay trực thăng lớp Mistral và bồi thường một số tiền lớn cho Moscow.

Một năm sau, Mỹ được cho là có tác động để Ba Lan hủy thương vụ mua 50 trực thăng vận tải quân sự H225M Caracal với Airbus Group của Pháp. Gần đây nhất, nhiều nguồn tin tiết lộ rằng Mỹ cũng muốn loại bỏ máy bay chiến đấu Rafale của Pháp ra khỏi một cuộc đấu thầu để Indonesia chỉ chọn sản phẩm của xứ cờ hoa là F-16 Viper.

Việc Mỹ cố tình ngăn cản Pháp bán vũ khí là “mũi tên trúng hai đích”. Trước hết, ở phương diện thương mại, sau khi loại bỏ một đối thủ cạnh tranh trực tiếp, doanh nghiệp Mỹ sẽ tăng thêm cơ hội được lựa chọn. Điều này đồng nghĩa với việc Washington có thể chiếm thị phần lớn hơn trên thị trường mua sắm vũ khí toàn cầu, đồng thời ngày càng trở thành nhà cung cấp vũ khí độc quyền.

Ngoài ra, Mỹ còn đạt được mục đích mang tính chiến lược. Theo cựu Giám đốc điều hành Naval Group Hervé Guillou, không có nước châu Âu nào đủ sức duy trì khả năng cạnh tranh của nền CNQP chỉ bằng chính thị trường nội địa.

Nếu không bán được vũ khí, Pháp sẽ không đủ khả năng tự sản xuất và cung cấp cho quân đội các loại trang bị tiên tiến nhất, trừ khi bỏ tiền ra mua từ nước khác, chủ yếu là của Mỹ. Nói cách khác, Paris sẽ mất đi “quyền tự chủ chiến lược”, không thể có nhiều trang thiết bị quân sự của riêng mình mà phải phụ thuộc vào nguồn hàng từ Washington với nhiều điều khoản đi kèm.

VĂN HIẾU