Theo số liệu mới được công bố, doanh thu của các “gã khổng lồ” Thales, Dassault Aviation và MBDA trong năm 2023 đạt tổng cộng 27,7 tỷ euro (khoảng 30,3 tỷ USD). 3 tập đoàn này cho biết, số lượng các đơn hàng còn tồn đọng có tổng trị giá hơn 101 tỷ euro (khoảng 111 tỷ USD). Trang mạng Breaking Defense dẫn lời ông Éric Béranger, Giám đốc điều hành MBDA nhấn mạnh, 2023 là một năm “ngoạn mục” khi tập đoàn này đạt doanh thu 4,5 tỷ euro (khoảng 4,9 tỷ USD).

Số lượng đơn hàng còn tồn đọng của MBDA trị giá 28 tỷ euro (khoảng 30,6 tỷ USD). Theo ông Béranger, xung đột tại một số khu vực trên thế giới cho thấy “tầm quan trọng của yếu tố thời gian” và MBDA ý thức được nhu cầu của khách hàng về việc đẩy nhanh tiến độ bàn giao sản phẩm. MBDA hiện đang rà soát tất cả sản phẩm của tập đoàn này, nhất là hệ thống phòng không trên mặt đất, để xác định “có thể cân nhắc tới yếu tố thời gian hay không”. Một ví dụ được ông Béranger đưa ra là thời gian từ lúc đặt hàng đến lúc bàn giao một tên lửa Aster là 42 tháng. MBDA hy vọng đến năm 2026, con số trên sẽ cắt giảm xuống còn 10 tháng. Một ví dụ khác là MBDA “đáp ứng được nhu cầu khẩn cấp” của Pháp và Anh khi “chỉ trong vòng vài tuần thay vì vài năm như trước kia” đã tích hợp Storm Shadow/Scalp vào các máy bay chiến đấu vốn được sản xuất không phải để trang bị các tên lửa này.

Với Thales, doanh thu của tập đoàn này trong năm 2023 đạt 18,4 tỷ euro (khoảng 20,1 tỷ USD). Số lượng đơn hàng còn tồn đọng của Thales trị giá 35 tỷ euro (khoảng 38,3 tỷ USD). “Điều này mang lại tầm nhìn dài hạn”, ông Patrice Caine, CEO của Thales, khẳng định. Trong khi đó, ông Éric Trappier, CEO của Dassault Aviation cho biết, 4,8 tỷ euro (khoảng 5,3 tỷ USD) trong năm 2023 “là một trong những doanh thu tốt nhất” từ trước đến nay của tập đoàn này. Số lượng đơn hàng còn tồn đọng của Dassault Aviation trị giá 38,5 tỷ euro (khoảng 42,2 tỷ USD), “tương đương với khối lượng công việc trong 10 năm”.

leftcenterrightdel
Các máy bay chiến đấu Rafale do tập đoàn Dassault Aviation sản xuất. Ảnh: Breaking Defense 

Trang mạng Breaking Defense nhấn mạnh, các số liệu do Thales, Dassault Aviation và MBDA công bố đã “xác thực” thông tin liên quan tới ngành công nghiệp quốc phòng Pháp mà Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đưa ra trong báo cáo gần đây. Theo báo cáo, trong giai đoạn 2019-2023, xuất khẩu vũ khí của Pháp đã tăng 47% so với giai đoạn 2014-2018. Mức tăng trưởng này phần lớn là nhờ gia tăng xuất khẩu các máy bay chiến đấu đa nhiệm Rafale do Dassault Aviation sản xuất. Trong giai đoạn 2019-2023, Pháp đã xuất khẩu 94 máy bay Rafale, chiếm 31% giá trị xuất khẩu vũ khí của nước này, so với 23 chiếc trong giai đoạn 2014-2018. Ngoài các máy bay Rafale, xuất khẩu các tàu quân sự và vũ khí đi kèm của Pháp cũng tăng thêm 14%. SIPRI cho biết, Pháp xuất khẩu vũ khí sang 64 quốc gia trong giai đoạn 2019-2023, trong đó khách hàng chính là các quốc gia ở châu Á và châu Đại Dương (42%), Trung Đông (34%). "Pháp đang nỗ lực hướng tới tự chủ chiến lược, tức là có thể huy động sức mạnh khi cần mà không nhất thiết phải có sự hỗ trợ của nước khác. Pháp mong muốn tự sản xuất các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật. Để duy trì được ngành công nghiệp quốc phòng nội địa có khả năng đáp ứng mong muốn nói trên với chi phí phải chăng, Pháp cũng cần tìm kiếm thị trường để xuất khẩu các sản phẩm", nhà nghiên cứu cao cấp Pieter Wezeman của SIPRI nhận định với RFI.

Đáng chú ý, SIPRI khẳng định, với mức tăng 47%, Pháp đã "vượt" Nga, trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Theo SIPRI, xuất khẩu vũ khí của Nga trong giai đoạn 2019-2023 giảm 53% so với giai đoạn 2014-2018. Tuy nhiên, Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới (CAWAT), một viện nghiên cứu độc lập tại Moscow, lại cho rằng, bảng xếp hạng của SIPRI dựa trên những thông tin "hạn chế, rời rạc và không được kiểm chứng". CAWAT cho biết, kể từ khi Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Chống đối thủ thông qua cấm vận (CAATSA) vào năm 2017-cho phép Washington áp đặt trừng phạt nhằm vào những quốc gia thực hiện hợp đồng mua bán vũ khí quy mô lớn với Nga, mức độ minh bạch về các dữ liệu đã "giảm đáng kể" do các khách hàng của Moscow muốn tránh bị rơi vào "quỹ đạo trừng phạt". "Cũng vì vậy mà Nga tự động "bị tụt hạng" trong bảng xếp hạng của các trung tâm phân tích hàng đầu của phương Tây chuyên theo dõi thị trường vũ khí toàn cầu, trong đó có SIPRI", CAWAT nêu rõ.

HOÀNG VŨ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Đối ngoại quốc phòng xem các tin, bài liên quan.