Theo các cơ quan an ninh Đức, IS đã và đang thất thế ở Trung Đông. 1/3 trong số khoảng 6.000 tay súng người nước ngoài đang chiến đấu trong hàng ngũ của IS có thể sẽ quay trở về quê nhà ngay lập tức. Sự trở về của các phần tử thánh chiến gây ra mối đe dọa về an ninh. Phần lớn trong số này bị cực đoan hóa mạnh mẽ, được huấn luyện quân sự và rất thiện chiến.
Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thô-mát đề Mai-xi-ê-rơ (Thomas de Maiziere) cho biết, số lượng đối tượng Hồi giáo nguy hiểm ở nước này đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Hiện có hơn 500 đối tượng tấn công Hồi giáo tiềm tàng đang sinh sống ở Đức. Các đối tượng này có thể thực hiện tấn công khủng bố trong nước. Bên cạnh đó, còn có 360 đối tượng liên quan khác có liên quan với những kẻ tấn công tiềm tàng nói trên. Nhiều người Đức lo ngại các đối tượng thuộc tổ chức khủng bố IS tự xưng có thể đã trà trộn vào dòng người di cư lên tới 1 triệu người hồi năm ngoái để vào nước Đức.
An ninh Đức được tăng cường sau lời cảnh báo của Bộ trưởng Nội vụ T.Mai-xi-ê-rơ về sự trở về của những “con sói đơn độc”. Ảnh: Getty Images
Ông Mai-xi-ê-rơ cũng đồng thời cảnh báo về nguy cơ đến từ những nhóm tấn công nhỏ và những tên khủng bố hoạt động độc lập kiểu "sói đơn độc" và cho biết, giới chức an ninh nước này đã tiến hành nhiều vụ điều tra và bắt giữ hơn trong năm nay. Theo ông Mai-xi-ê-rơ, Đức đang nỗ lực hết sức để theo dõi chặt chẽ các đối tượng khủng bố tiềm tàng. Đức cũng đã chuẩn bị cho kịch bản triển khai quân đội liên bang trên đường phố, theo đó lực lượng quân đội và cảnh sát sẽ cùng phối hợp ứng phó với các vụ tấn công xảy ra đồng thời tại nhiều bang trên cả nước.
Mối đe dọa từ những "con sói đơn độc" cũng đang làm giới chức Mỹ hết sức quan ngại. Theo Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Gie Giôn-xơn (Jeh Johnson), 15 năm sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001 nhằm vào nước Mỹ khiến gần 3.000 người thiệt mạng, nước Mỹ vẫn phải đối mặt với mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, trong đó có những kẻ tấn công dưới hình thức "con sói đơn độc". Các chuyên gia nhận định, nếu như vụ tấn công 15 năm trước vào nước Mỹ có sự chỉ đạo và được lên kế hoạch tinh vi với nhiều đối tượng tham gia, mục tiêu là những địa điểm mang tính biểu tượng thì hiện nay khủng bố xuất hiện tại bất kỳ nơi nào, từ quán cafe, tòa soạn báo, siêu thị, bến tàu điện ngầm và ngay cả trên đường phố... Các vụ tấn công ngày càng mang tính bột phát và hình thức tấn công ngày càng đa dạng, có thể là đánh bom, nổ súng, đâm bằng dao và thậm chí là sử dụng xe tải để lao vào đám đông. Số lượng những “con sói đơn độc” đang gia tăng đáng kể. “Những kẻ tấn công dưới hình thức con sói đơn độc thường là những kẻ quá khích. Các tổ chức khủng bố đã có khả năng thâm nhập vào nước Mỹ thông qua Internet, tuyển dụng và truyền bá tư tưởng cực đoan”, người đứng đầu Bộ An ninh nội địa Mỹ cho biết.
Trong khi Bộ trưởng Gie Giôn-xơn đánh giá IS đang trong giai đoạn thoái trào, thì nhóm phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf ở Phi-líp-pin được cho là đã trở nên mạnh hơn sau vụ khủng bố 11-9. Thư ký Truyền thông của Tổng thống Phi-líp-pin Mác-tin An-đa-na (Martin Andanar) cho biết, vụ khủng bố 11-9-2001 ở Mỹ đã kích hoạt "nguồn gốc của mọi tai họa không đoán trước được" về chủ nghĩa khủng bố. Bên cạnh sự ra đời của các phần tử cực đoan là nhóm phiến quân IS tự xưng thì nhóm Abu Sayyaf, vốn đã cam kết trung thành với IS, cũng lớn mạnh hơn. Ngoài ra, các tay súng Abu Sayyaf cũng đã thề trung thành với tổ chức khủng bố al-Qaeda đã thực hiện các vụ tấn công vào Mỹ 15 năm trước trong thời kỳ tổ chức này hoạt động mạnh mẽ.
Giới phân tích cho rằng, mối đe dọa khủng bố đang ngày càng phức tạp và khó lường. Do vậy, cộng đồng quốc tế cần phải đồng lòng, đoàn kết hơn nữa thì mới có thể xóa bỏ được hoàn toàn chủ nghĩa khủng bố.
BÌNH NGUYÊN