RIA Novosi dẫn nguồn tin từ Tạp chí Mỹ The National Interest nhận định, thành phố được bảo vệ nhiều nhất trên thế giới là thủ đô Mát-xcơ-va của Nga - nơi định cư duy nhất trên hành tinh được bảo vệ bởi hệ thống phòng thủ tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Thủ đô Mát-xcơ-va của Nga. Ảnh: RIA Novosi
Theo The National Interest, Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 1972 là thỏa thuận kiểm soát vũ khí giữa Mỹ và Liên Xô. Không giống các hiệp ước khác tập trung vào vũ khí tấn công, Hiệp ước ABM chú trọng hạn chế các loại vũ khí phòng thủ, tên lửa có khả năng ngăn chặn đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, Hiệp ước ABM không cấm tất cả các loại tên lửa phòng thủ mà mỗi bên được phép triển khai một trận địa ABM, với số lượng lên tới 100 tên lửa và có thể bố trí theo ý muốn. Mỹ quyết định đặt hệ thống phòng thủ Safeguard xung quanh căn cứ không quân Grand Forks ở Bắc Đa-cô-ta với hy vọng có thể bảo vệ các tên lửa chính xác và đáng gờm nhất của nước này trước cuộc tấn công bất ngờ. Tuy nhiên, hệ thống Safeguard chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn, bởi việc dùng một hệ thống quá đắt đỏ chỉ để bảo vệ một địa điểm duy nhất không đem lại nhiều ý nghĩa.
Trong khi đó, Liên Xô chú trọng bảo vệ thủ đô Mát-xcơ-va, bởi nếu thành phố này bị phá hủy trong cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu bất ngờ thì khả năng phản ứng của Liên Xô sẽ bị tê liệt. Do đó, hệ thống phòng thủ tên lửa A-35 đã được thiết kế để bảo vệ Mát-xcơ-va nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân. Theo kế hoạch, Liên Xô thiết lập 32 điểm đánh chặn tên lửa đạn đạo quanh Mát-xcơ-va. Trong quá trình phát triển, số lượng điểm đánh chặn giảm xuống, nhưng các tên lửa này đã bắt đầu được gắn đầu đạn hạt nhân để bảo đảm khả năng đánh chặn đạt mức tối đa.
Trong thập niên 1970, hệ thống phòng thủ tên lửa A-35 được Liên Xô thay thế bằng hệ thống nâng cấp mới A-135. Hệ thống A-135 bổ sung 68 bệ phóng tên lửa mới, giúp Mát-xcơ-va sở hữu 100 bệ phóng theo mức hạn chế tối đa của Hiệp ước ABM.
TÚ ANH