QĐND - Tình hình U-crai-na đang leo thang một cách nguy hiểm khi ngày 10-8 đã xảy ra các cuộc đụng độ, bắn phá nghiêm trọng nhất trong vòng nửa năm trở lại đây kể từ khi lệnh ngừng bắn được áp dụng. Bộ Ngoại giao U-crai-na cho biết, tình hình ở miền Đông hiện mang “dấu hiệu nguy hiểm” của một cuộc xung đột cận kề.
Ngày 10-8 đã xảy ra các cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội chính phủ và lực lượng đòi độc lập tại miền Đông với cả các loại vũ khí hạng nặng như xe tăng và pháo binh, Reuters đưa tin. Đây được xem là các cuộc giao tranh nghiêm trọng nhất trong vòng nửa năm qua. Các báo cáo mới nhất của cả quân chính phủ và phe đối lập cho biết, trong 24 giờ qua đã có 4 người thiệt mạng và 6 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ giữa hai bên tại miền Đông nước này.
Trước đó, Chính phủ U-crai-na khẳng định đã đẩy lùi một đợt tấn công của khoảng 200 tay súng thuộc lực lượng đòi độc lập, với sự hỗ trợ của khoảng 10 xe bọc thép gần thành phố Starognativka, nằm ở ngã ba tuyến đường tới căn cứ địa của lực lượng đối lập ở Đô-nhét-xcơ và cảng Ma-ri-ô-pôn, thành phố cuối cùng ở vùng chiến sự còn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền U-crai-na. Bộ Tổng tham mưu U-crai-na tuyên bố quân chính phủ được phép sử dụng hỏa lực, vũ khí hạng nặng để đáp trả các hành động tấn công của lực lượng dân phòng miền Đông. Ngày 11-8, Người phát ngôn quân đội U-crai-na, ông V.Xê-le-dơ-ni-ốp (Vladislav Seleznyov) tuyên bố: “Ki-ép tuân thủ các thỏa thuận và đã thông báo cho Phái bộ giám sát đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Văn phòng OSCE tại Ki-ép và các đối tác phương Tây” về cái mà U-crai-na gọi là những sự vi phạm liên tiếp các thỏa thuận Min-xcơ của lực lượng tự vệ thuộc Cộng hòa Nhân dân Đô-nhét-xcơ (DPR) tự xưng. Đó là lý do tại sao chúng tôi có quyền pháo kích trong trường hợp xảy ra các vụ tấn công vào cứ điểm của mình”. Theo ông, các đơn vị tự vệ đang dùng đạn cối cỡ 120mm và pháo tự hành cỡ nòng 152mm nã vào khu vực tiếp giáp 2 thị trấn Starogantovka và Chermalyk.
 |
Một ngôi nhà tan hoang vì đạn pháo sau các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và phe đối lập tại miền Đông U-crai-na. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, phía bên kia, Phát ngôn viên quân sự của lực lượng đòi độc lập, ông Ê.Ba-xu-rin (Eduard Basurin) bác bỏ cáo buộc của Ki-ép, tố ngược lại rằng, chính quân đội U-crai-na mới đang tăng cường các cuộc tấn công, bắn phá. Ông Ba-xu-rin còn cho hay trước đó đã xảy ra vụ tấn công phủ đầu bằng các khí tài hạng nặng như: Xe tăng, tên lửa Grad và súng cối kéo dài 2 giờ đồng hồ.
Ở thủ đô Oa-sinh-tơn, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ G.Cơ-bi (J.Kirby) nói rằng, Oa-sinh-tơn “lo lắng một cách sâu sắc” về tình trạng gia tăng các cuộc tấn công. Ông Cơ-bi còn nói thêm rằng, quân đội U-crai-na đã báo cáo con số thống kê là 127 cuộc tấn công xảy ra riêng trong ngày 10-8.
Xung đột tại Starognativka đã buộc Tổng thống U-crai-na P.Pô-rô-sen-cô (P.Poroshenko) phải triệu tập cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng và người đứng đầu Bộ chỉ huy Quân sự nước này cùng với Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia nhằm đánh giá tình hình. Ông Pô-rô-sen-cô cũng yêu cầu Ngoại trưởng P.Klim-kin (Pavlo Klimkin) tiến hành tham vấn khẩn cấp nhóm Bộ tứ Noóc-măng-đi gồm: Nga, Pháp, Đức và U-crai-na. Theo Bộ Ngoại giao U-crai-na, cuộc gặp là để thông báo với các nhà trung gian của thỏa thuận hòa bình Min-xcơ, cũng như Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, cơ quan giám sát lệnh ngừng bắn và NATO về tình trạng leo thang căng thẳng nguy hiểm tại miền Đông U-crai-na, có nguy cơ đe dọa tiến trình hòa bình.
Những cuộc giao tranh này diễn ra một ngày sau vụ phóng hỏa một loạt xe bọc thép của các quan sát viên Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu, những người đang giám sát lệnh ngừng bắn tại miền Đông U-crai-na do lực lượng đòi độc lập kiểm soát. Phản ứng trước những vụ tấn công này, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu cho rằng, đây là âm mưu của những kẻ muốn ngăn cản tổ chức này xác định các vi phạm thỏa thuận Min-xcơ. Trong khi đó, NATO thì tuyên bố luôn theo dõi sát tình hình, đồng thời nhấn mạnh, việc thực thi đầy đủ các thỏa thuận đạt được tại Min-xcơ là cách để đi tới hòa bình. Cuối tuần trước, người đứng đầu phe đối lập tại Đô-nhét-xcơ cảnh báo, dường như đang có âm mưu khuấy động một vòng xoáy xung đột mới tại khu vực, song lực lượng này sẵn sàng đối mặt và vẫn theo đuổi đàm phán.
Đã trải qua 16 tháng khủng hoảng, miền Đông U-crai-na đang một lần nữa chứng kiến sự leo thang trở lại tình trạng bạo lực đẫm máu. Người ta đang lo ngại, mọi công sức của các nước tham gia vào việc thúc đẩy tiến trình hòa bình ở U-crai-na có thể sẽ bị "đổ xuống sông xuống biển" nếu diễn biến tình hình ở miền Đông tiếp tục theo chiều hướng xấu như hiện nay.
NGỌC HÀ