QĐND - Dư luận trong và ngoài nước Mỹ lại được một phen chấn động sau khi Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ công bố bản tóm tắt báo cáo đã được giải mật về chương trình giam giữ và thẩm vấn của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), trong đó vạch trần và lên án các phương thức tra tấn tàn bạo mà những nhân viên CIA đã áp dụng đối với các nghi phạm khủng bố.
Những biện pháp tra tấn ngoài sức tưởng tượng
Bản báo cáo nói trên nêu đầy đủ gồm 6000 trang, tuy nhiên bản tóm tắt do Thượng nghị sĩ Đai-an-ni Phên-xtên (Dianne Feinstein), Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ công bố ngày 9-12 chỉ dài 480 trang. Bản báo cáo tóm tắt này cho thấy, sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, CIA đã tiến hành một chiến dịch bắt giữ, thẩm vấn và tra tấn bằng các biện pháp cực kỳ tàn bạo đối với những đối tượng tình nghi thuộc mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda.
Dưới thời của cựu Tổng thống Gioóc-giơ W.Bu-sơ (George W. Bush), CIA đã bí mật mở chiến dịch chống Al-Qaeda kéo dài từ năm 2002 đến 2006, theo đó đã giam giữ khoảng 100 nghi phạm khủng bố tại "những địa điểm đen", ám chỉ các căn cứ và nhà tù bí mật bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ. Tại những nhà tù này, các tù nhân thường phải chịu những hình thức “thẩm vấn nâng cao” mà bất cứ ai nghe qua cũng không khỏi “nổi da gà”.
 |
Bên ngoài sân bay Szymany (Ba Lan), nơi được cho là có nhà tù bí mật của CIA. Ảnh: Roi-tơ.
|
Trong số những “kỹ thuật thẩm vấn” được CIA áp dụng để điều tra các phần tử bị tình nghi là khủng bố, trước hết phải kể tới biện pháp “trấn nước”. Theo báo cáo, các tù nhân “may mắn” được trải nghiệm phương thức này sẽ bị trói vào một tấm bảng rồi dốc ngược đầu xuống đất. Các nhân viên CIA đặt một miếng vải lên mặt, che mũi và miệng của họ, sau đó liên tục đổ nước lên trên tấm vải để không cho các tù nhân hít thở. “Công đoạn” này được thực hiện trong khoảng 40 giây và lặp lại nhiều lần trong suốt quá trình thẩm vấn. Đây là biện pháp tạo cảm giác như bị chết đuối cho các tù nhân, khiến họ rơi vào tình trạng hoảng loạn. Báo cáo cho biết, A-bu Du-bay-đa (Abu Zubaydah), một kẻ bị tình nghi là nhân vật cấp cao dưới trướng trùm khủng bố Bin La-đen (Bin Laden), đã phải trải qua quá trình này 83 lần, trong khi Kha-lít Sây-khơ Mô-ha-mét (Khalid Sheikh Mohammed), kẻ được cho là chủ mưu vụ tấn công 11-9, đã bị “trấn nước” tới 183 lần.
Một số tù nhân khác cho biết, họ cũng thường xuyên bị giội nước lạnh trong khi thẩm vấn. Tháng 11-2002, tù nhân Gun Ra-man (Gul Rahman) đã chết trong căn cứ mật Salt Pit của CIA ở phía Bắc thủ đô Ca-bun (Kabul) ở Áp-ga-ni-xtan sau khi bị nhốt trong một buồng giam lạnh cóng, bị lột trần từ thắt lưng trở xuống và bị giội nước lạnh.
Báo cáo cũng nêu ví dụ về “kỹ thuật thẩm vấn mang thương hiệu CIA” bằng cách cho ăn và cấp nước trực tiếp vào trực tràng của tù nhân. Được biết, đã có ít nhất 5 tù nhân phải trải qua biện pháp này. Chẳng hạn như An Ra-him An Na-si-ri (Al-Rahim al-Nashiri), kẻ bị tình nghi đánh bom tàu USS Cole, phải nằm trong tư thế dốc đầu và bị bơm thức ăn thẳng vào trực tràng. Hay như Ma-dít Khan (Majid Khan), một công dân Mỹ bị cáo buộc là thân tín của kẻ chủ mưu thực hiện vụ tấn công khủng bố 11-9, cũng bị áp dụng biện pháp tra tấn tương tự.
Một phương thức tra tấn “ưa thích” khác của CIA là nhốt tù nhân vào hộp kín. Báo cáo cho biết, A-bu Du-bay-đa đã bị nhốt tại một số hộp giam khác nhau trong đợt thẩm vấn ở Áp-ga-ni-xtan vào năm 2002. Trong nhiều trường hợp, các nhân viên CIA còn bỏ côn trùng vào trong hộp, khiến các tù nhân rơi vào cảnh “sống dở chết dở”.
Ngoài ra, còn một số biện pháp tra tấn phổ biến khác từng được CIA áp dụng như đánh đập, giam giữ các tù nhân trong tình trạng khỏa thân, cho ăn "thức ăn lỏng nhạt nhẽo, vô vị", không cho các tù nhân ngủ trong nhiều giờ đồng hồ hay bắt các tù nhân đóng bỉm để khiến họ cảm thấy “nhục nhã và bất lực”.
CIA thậm chí còn đe dọa tấn công bạo lực và tình dục đối với gia đình và người thân của các tù nhân. Báo cáo viết rằng, các nhân viên CIA đã “đe dọa gây hại cho ít nhất ba người thân của tù nhân, gồm dọa tấn công con cái, lạm dụng tình dục mẹ của một tù nhân và dọa cắt họng mẹ một tù nhân khác".
Dư luận thế giới lên tiếng
Sau khi bản báo cáo được công bố, làn sóng chỉ trích đã bùng lên mạnh mẽ từ Liên hợp quốc tới nhiều quốc gia, trong đó có cả những nước được xem là đồng minh thân cận của Mỹ. Dư luận thế giới cũng đồng loạt lên án chính quyền Oa-sinh-tơn vi phạm nhân quyền và đòi xét xử những đối tượng đã vi phạm luật quốc tế.
Báo cáo của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ cho hay, mặc dù áp dụng nhiều biện pháp tra khảo tàn bạo, song chiến dịch này của CIA không hề mang lại hiệu quả và không giúp phá vỡ được bất kỳ âm mưu tấn công nào nhằm vào nước Mỹ. Nghiêm trọng hơn, CIA đã giấu giếm và lừa dối cả chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma và Quốc hội về các hành động này. Việc làm của cơ quan này cũng đã bị nhiều tổ chức nhân quyền thế giới lên án, bởi trong số 119 trường hợp bị thẩm vấn có ít nhất 26 người bị giam giữ trái phép và đã có một số trường hợp tử vong. Theo AFP, ông Ben Em-mơ-xơn (Ben Emmerson), đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc về chống khủng bố và nhân quyền, khẳng định bản báo cáo cho thấy chính quyền cựu Tổng thống Gioóc-giơ W.Bu-sơ đã cho phép thực hiện các hành vi tội ác mang tính hệ thống và vi phạm trắng trợn luật nhân quyền quốc tế.
Trước sức ép ngày càng tăng, Giám đốc CIA Giôn Bren-nân (John Brennan) ngày 11-12 đã phải lên tiếng thừa nhận cơ quan này từng dùng các hình thức tra tấn tàn bạo đối với các đối tượng tình nghi khủng bố, song nhấn mạnh việc sử dụng các biện pháp thẩm vấn mạnh tay đã giúp sớm ngăn chặn các âm mưu khủng bố. Phát biểu trong một cuộc họp báo đặc biệt tại trụ sở CIA ở bang Vơ-di-ni-a (Virginia) và được truyền hình trực tiếp, Giám đốc Giôn Bren-nân cho rằng những thông tin từ những đối tượng tình nghi đã giúp tìm ra nơi ẩn náu để tiêu diệt được trùm khủng bố Bin La-đen.
Người đứng đầu CIA cũng khẳng định cơ quan này hiện không còn bắt giữ và thẩm vấn các đối tượng tình nghi, đồng thời đã tiến hành nhiều cải cách nhằm ngăn chặn tái diễn những vụ việc tương tự.
Chương trình thẩm vấn của CIA từ lâu đã gây không ít tranh cãi giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng, chương trình này đã được một số Thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Tình báo Thượng viện hậu thuẫn với lý do những biện pháp tra tấn đã mang đến thông tin tình báo có giá trị, giúp tìm ra nơi ẩn náu để tiêu diệt Bin La-đen, đồng thời bảo vệ an toàn cho nhiều người dân Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma, người chấm dứt chương trình bí mật nói trên của CIA vào năm 2009, tuyên bố ủng hộ việc công bố bản báo cáo này. Ông khẳng định không dung thứ những biện pháp thẩm vấn tàn bạo, cho rằng chúng làm tổn hại nghiêm trọng lợi ích của Mỹ ở nước ngoài và không hề giúp ích cho những nỗ lực chống khủng bố.
Trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh vẫn đang loay hoay với cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, việc công bố báo cáo trên được xem như một "quả bom" có thể mang lại những hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ, đe dọa đến tính mạng của người Mỹ trên khắp thế giới, nhất là những công dân đang bị các tổ chức khủng bố giam giữ.
NGỌC VŨ