Chế biến thủy sản xuất khẩu-lĩnh vực nhiều triển vọng khi Việt Nam gia nhập WTO. Ảnh Internet

“Một năm là quãng thời gian quá ngắn để đánh giá cả một quá trình hội nhập lâu dài của Việt Nam với biết bao vấn đề, song là cần thiết để nhận ra đâu là hướng đi phù hợp, để rút ra bài học kinh nghiệm cho giai đoạn sắp tới và sau này”, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thẳng thắn chia sẻ.

Kết quả bước đầu

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, một trong các dấu ấn đáng phấn khởi nhất của Việt Nam thời hội nhập WTO chính là tạo được tâm lý hồ hởi, niềm tin và kỳ vọng lan tỏa trong số đông công chúng vào triển vọng và quá trình cải cách của đất nước. Hội nhập đã đem lại những lợi ích quan trọng như thúc đẩy tự do hóa thị trường, mở cửa cơ chế thông thoáng hơn và nguồn lực phân bố hiệu quả hơn. Điều đó thể hiện qua sự tăng trưởng kinh tế đạt mức kỷ lục 8,5%, thu nhập bình quân đầu người tăng. Chưa bao giờ người dân có nhiều quyền lựa chọn như lúc này do được tiếp cận với hàng hóa đa dạng và cạnh tranh về giá thành cũng như chất lượng. Điều này thúc đẩy tiêu dùng, tăng phúc lợi xã hội và đời sống được nâng lên rõ rệt. Cũng chưa bao giờ niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài dành cho Việt Nam lớn như giai đoạn hiện nay, với mức cam kết đầu tư năm 2007 dự kiến đạt 15 tỷ USD trong tầm tay…

Vẫn còn những “vênh váo” trong tổ chức và thực hiện

Vậy nhưng những gì đạt được sau một năm tuy đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Cụ thể, thành tựu phát triển nhiều khi bị “đặt dấu hỏi” do hiện tượng tăng trưởng cao luôn bị bám sát bởi lạm phát cao và thành quả phát triển chưa được phân phối cân bằng, vốn càng nổi cộm trong thời kỳ WTO. Ông dẫn chứng: “Lợi ích từ phát triển ở khu vực thành thị được hưởng đang lớn hơn rất nhiều so với ở nông thôn. Chỉ một năm thôi, chúng ta đã thấy rõ nguy cơ khoảng cách giàu nghèo ngày càng rõ”.

“Và về những con số phát triển vẫn còn nhiều điều phải bàn”, tiến sĩ Thành lưu ý. Đi vào những vấn đề cụ thể của phát triển kinh tế, ông băn khoăn các lĩnh vực hấp thụ đầu tư, xuất khẩu, thị trường vốn, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực… Đây cũng chính là những lĩnh vực phản ánh rõ nhất các “nút thắt” trong một năm Việt Nam “bơi trong biển lớn WTO”. Về thu hút đầu tư, năm ngoái Việt Nam đạt hơn 10 tỷ USD cam kết song kỳ thực số thực hiện chỉ khoảng hơn 4 tỷ USD. Tiến sĩ Thành nói, điều đó cho thấy khả năng hấp thu nguồn vốn của Việt Nam còn hạn chế. Vấn đề là ở chỗ cơ sở hạ tầng của ta còn yếu, không theo kịp tốc độ phát triển. Chất lượng nguồn nhân lực không chỉ là ở thiếu nhân lực chất xám, có kỹ năng mà tồn tại vấn đề ở cả nhân lực chất lượng trung bình vốn đang được coi là dư thừa ở Việt Nam. Rủi ro trên thị trường tài chính vẫn cao do khả năng giám sát tài chính không theo kịp nhu cầu phát triển thực tế. Chưa kể tình trạng các nhà đầu tư vẫn phàn nàn rất nhiều về tệ quan liêu, tham nhũng, không nhất quán về chính sách, tính không dự báo được của chính sách… Ông Nguyễn Trọng Bình, phó Tổng giám đốc Công ty điện tử LG Việt Nam cho biết, do thị trường được mở rộng, nhiều thành phần tham gia vào sản xuất kinh doanh, nên hiện tượng lừa đảo trong buôn bán cũng gia tăng, trong khi luật của Việt Nam vẫn chưa theo kịp để điều chỉnh các mối quan hệ này, dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài bị thiệt thòi khi gặp phải những trường hợp như vậy.

Tiến sĩ Thành kết luận, chúng ta mới đang tập chơi cách chơi của một thị trường văn minh hiện đại, tập chơi cách chơi của một nền kinh tế hội nhập. Vậy nên còn tồn tại những “vênh váo” cả ở khâu tổ chức và thực hiện.

Tuy nhiên, ông thừa nhận có “hai dấu ấn tích cực nhất của Việt Nam thời kỳ WTO chính là chuyển biến về mặt thể chế và xây dựng được một khung pháp lý tương đối toàn diện chỉ trong thời gian ngắn”. Cụ thể là cải tổ bộ máy nhà nước có bước tiến và diện mạo của một khung pháp lý đang được hình thành theo hướng dần phù hợp hơn với cách chơi của nền kinh tế thị trường và với các cam kết của Việt Nam khi vào WTO. Tiến sĩ Thành cho biết, Việt Nam đã sửa một khối lượng văn bản pháp lý lớn với khoảng 26 đến 27 luật được sửa đổi, bổ sung.

Nhiều doanh nghiệp còn chưa sẵn sàng

Ở góc độ doanh nghiệp, lực lượng có thể coi là trực tiếp nhất tham gia sân chơi khốc liệt WTO, tiến sĩ Thành nói: “Về cơ bản, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng để theo một cách chơi bài bản hơn với một tầm nhìn dài hạn hơn”. Họ đang tận dụng những “méo mó” của thị trường, nhất là trong lĩnh vực tài chính và bất động sản, để thực hiện các hành vi đầu cơ. Ngoài ra, rất nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng chơi ngắn hạn để thu lợi nhuận nhanh chóng, trong khi sân chơi WTO đòi hỏi người chơi phải có cách chơi bài bản và dài hạn hơn. Do vậy, họ chưa biết tận dụng thời cơ để hoàn thiện mình, hoạt động theo cách chuyên nghiệp để phát triển bền vững hơn. “Cái ấy cũng không thể trách được doanh nghiệp mà vấn đề là ở chính sách”, tiến sĩ Thành thẳng thắn. Lĩnh vực ngân hàng và chứng khoán thể hiện rất rõ mặt tiêu cực này.

Tham gia vào một sân chơi dựa trên nguyên tắc cạnh tranh như WTO, không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam mà không ít công ty liên doanh cũng lúng túng do phải cho ra sản phẩm chất lượng cao, trong khi giá thành phải giảm để đủ sức cạnh tranh. Tổng giám đốc Công ty liên doanh IQ Links Nguyễn Hoài Bắc, chuyên cung cấp các sản phẩm viễn thông sử dụng công nghệ CDMA hiện đại cho biết, thị trường của dòng sản phẩm này đang phải đương đầu với sản phẩm từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Sản phẩm của IQ Links đang đứng giữa hai dòng sản phẩm, một bên là rẻ và chất lượng thấp của Trung Quốc với một bên là giá cả và chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, IQ Links sau buổi đầu còn lúng túng đang từng bước lấy lại thị phần bằng việc đa dạng hóa sản phẩm và chú trọng hơn tới vấn đề chất lượng nhân lực để cho ra những sản phẩm hoàn thiện hơn đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.

Mở nút thắt WTO

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, để cởi bỏ các nút thắt trong thời kỳ hội nhập WTO ở các lĩnh vực thể chế và chính sáchnêu trên cần phải xuyên suốt bằng nguyên tắc thị trường và cạnh tranh, coi trọng cải cách. Ông nói, cần phải hiểu cuộc chơi trong WTO là cuộc chơi “cùng được” chứ không phải như có người vẫn ví như một cuộc “đấm bốc” có người thắng kẻ bại, chỉ có điều là được nhiều hay được ít mà thôi. Từ đó có cách ứng xử về mặt chính sách cho cho phù hợp. Ông dẫn các nghiên cứu cho biết, nếu không cải cách sau hội nhập thì 70 đến 80% lợi ích sẽ thuộc về đối tác, còn lại phần ta chỉ 20 đến 30%.

Ngoài ra, Việt Nam cần chú trọng tới “quản trị phát triển” liên quan tới quản trị môi trường và quy hoạch cũng như chia sẻ lợi ích đồng đều hơn cho các tầng lớp xã hội, chứ không chỉ cần đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Theo tiến sĩ, bài học Việt Nam cần rút ra sau một năm gia nhập WTO đó là “vị thế và thời cơ đã tốt hơn thì trách nhiệm phải cao hơn, phải có tri thức và kiến thức tốt hơn và quan trọng nhất là phải biết tận dụng tốt nhất những lợi thế đó”./.
MỸ HẠNH