Trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN, một hành trình mới được mở ra, đưa Việt Nam bước vào tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế sâu rộng. Không quá lời khi nói rằng những thành tựu phát triển của Việt Nam trong suốt 30 năm qua mang dấu ấn ASEAN và ở chiều ngược lại, thành công của ASEAN có sự tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam. "Tham gia ASEAN là một quyết sách lịch sử, đúng đắn của Việt Nam. Tôi đồng ý với nhận định rằng việc gia nhập ASEAN vào năm 1995 là một trong những mốc quan trọng nhất trong lịch sử đối ngoại của Việt Nam cũng như trong quá trình phát triển của ASEAN", Tiến sĩ Termsak Chalermpalanupap tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) của Singapore nhấn mạnh với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.
 |
Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân cùng Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn và phu nhân cắt bánh chào mừng 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, tại Indonesia, tháng 3-2025. Ảnh: TTXVN |
Đối với Việt Nam, tham gia ASEAN mang lại những lợi ích hết sức quan trọng, thiết thực. Đầu tiên, tham gia ASEAN chính là điểm khởi đầu, là tiền đề cho Việt Nam vươn ra thế giới. Không phải ngẫu nhiên cùng năm 1995, khi Việt Nam được kết nạp vào ASEAN cũng là thời điểm Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và ký Hiệp định khung về hợp tác với Ủy ban châu Âu. Tiếp sau đó, Việt Nam đã tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)... Việt Nam cũng đã thiết lập các khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều quốc gia, trong đó có tất cả thành viên ASEAN và các đối tác quan trọng của Hiệp hội.
Thứ hai, hợp tác với các thành viên ASEAN và với mạng lưới các đối tác của ASEAN giúp tạo dựng và duy trì môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam, mở ra không gian phát triển đầy tiềm năng cho đất nước.
Thứ ba, tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN là động lực quan trọng để Việt Nam thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế, điều chỉnh các quy tắc, luật lệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời là mắt xích thiết yếu trong các liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu của Việt Nam. Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) chính là bước đi quan trọng về cam kết thương mại đa biên đầu tiên của Việt Nam để từ đó đến nay, Việt Nam đã trở thành bên đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao.
Thứ tư, hội nhập ASEAN tạo điều kiện để Việt Nam từng bước nâng tầm đối ngoại đa phương, nâng cao uy tín, vai trò và vị thế quốc tế của đất nước. Thành công trong tham gia ASEAN giúp Việt Nam thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ đối ngoại đa phương quan trọng như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009, 2020-2021), chủ nhà Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) (năm 2006, 2017)...
Đối với ASEAN, việc kết nạp Việt Nam đã tạo ra bước chuyển lớn, đưa khu vực Đông Nam Á từ tình cảnh chia rẽ, nghi kỵ do Chiến tranh Lạnh sang trạng thái hợp tác và hội nhập. Đây chính là bước khởi đầu quan trọng đối với tiến trình mở rộng và phát triển của ASEAN. Theo Giáo sư Carlyle Thayer tại Đại học New South Wales (Australia), sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy Hiệp hội kết nạp Campuchia, Lào và Myanmar. "Việc Việt Nam gia nhập ASEAN đã chấm dứt tình trạng chia rẽ về ý thức hệ ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa giấc mơ bấy lâu về một đại gia đình ASEAN gồm tất cả quốc gia Đông Nam Á", Tiến sĩ Termsak Chalermpalanupap khẳng định.
Tham gia ASEAN vào thời điểm bắt đầu đổi mới, hội nhập, hành trình gắn bó cùng ASEAN 30 năm qua thể hiện nhất quán chủ trương của Việt Nam luôn coi hợp tác, liên kết ASEAN là ưu tiên hàng đầu, là sự lựa chọn chiến lược, luôn nỗ lực, đóng góp hết mình vì một ASEAN đoàn kết, phát triển vững mạnh. Từ hoàn thành tốt trách nhiệm thành viên trong những ngày đầu, Việt Nam đã tự tin tham gia, đóng góp định hình các chiến lược của ASEAN, vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt nhiều tiến trình hợp tác quan trọng của ASEAN. Các sáng kiến của Việt Nam, đặc biệt là qua các nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2010 và 2020, đều để lại những tài sản trân quý cho ASEAN, tạo đà thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ngày một tiến xa và mạnh mẽ hơn. Giáo sư Carlyle Thayer đánh giá, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã thúc đẩy những kết quả thực chất, như mở rộng Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) với sự tham gia của Nga và Hoa Kỳ, thành lập cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+). Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã có "đóng góp xuất sắc" cho sự phát triển của ASEAN khi chủ động và kịp thời điều chỉnh kế hoạch hoạt động của Hiệp hội, linh hoạt tận dụng hình thức họp trực tuyến trước diễn biến bất ngờ, phức tạp của đại dịch Covid-19, tích cực thúc đẩy đoàn kết, thống nhất và điều phối nỗ lực chung của ASEAN trong ứng phó dịch bệnh.
Chặng đường 30 năm qua đã chứng kiến sự đổi thay và phát triển vượt bậc của cả ASEAN lẫn Việt Nam. Sau những bước khởi đầu chập chững, Việt Nam ngày càng trưởng thành, có uy tín ngày càng cao ở khu vực và trên trường quốc tế, phát huy vai trò thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong đại gia đình ASEAN. Với thế và lực mới của đất nước, Việt Nam nhận thức rõ hơn trách nhiệm tham gia chủ động và đóng góp nhiều hơn cho công việc chung khi cả Việt Nam và ASEAN đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, cùng hướng tới những mục tiêu đầy khát vọng. "Hợp tác, liên kết ASEAN gắn liền với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam vừa qua đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với các nước thành viên ASEAN là Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan", Giáo sư Carlyle Thayer nhấn mạnh với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.
HOÀNG VŨ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.