QĐND - Khi chúng tôi gửi thư điện tử cho Rô-bớt Bri-hâm (Robert Brigham) để xin phỏng vấn về cuốn sách ông viết chung với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Na-ma-ra (McNamara) liên quan đến chiến tranh Việt Nam, vị giáo sư sử học của Đại học Vassar (Mỹ) ngay lập tức đã hồi âm lại để hỏi rằng làm cách nào mà chúng tôi lại có địa chỉ email riêng của ông. Dĩ nhiên không phải tự dưng mà chúng tôi có. Lần này cũng lại nhờ đến sự giúp đỡ của nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pa-na-ma (kiêm nhiệm Cô-xta Ri-ca) Hoàng Công Thúy, người nhiều năm giữ cương vị Tổng thư ký Hội Hữu nghị Việt-Mỹ. Chúng tôi đã phải nêu đích danh người tiết lộ thông tin. Không ngoài dự đoán, Rô-bớt Bri-hâm vui vẻ hồi âm.
Rô-bớt Bri-hâm là một giáo sư sử học khá danh tiếng của nước Mỹ. Người đàn ông Mỹ này có một sự yêu thích kỳ lạ đối với Việt Nam. Tính đến thời điểm này, ông đã đến Việt Nam khoảng 50 lần; lần đầu tiên là vào những năm 1980, với tư cách là thành viên Dự án Hòa giải Mỹ-Đông Dương. Kể từ sau khi đến Việt Nam lần đầu tiên, Rô-bớt Bri-hâm bắt đầu dạy và viết về chiến tranh Việt Nam. Từ đó, hằng năm ông vẫn đi lại giữa Việt Nam và Mỹ. Không chỉ đến Việt Nam để thực hiện những nghiên cứu, Rô-bớt Bri-hâm còn trở lại đây để gặp lại một số người bạn cũ.
 |
Ông Hoàng Công Thúy (trái) và vợ chồng giáo sư Rô-bớt Bri-hâm trong chuyến thăm Việt Nam 2014. Ảnh: THÚY HOÀNG
|
Nói đến thì Đại sứ Hoàng Công Thúy cũng có thể tính là bạn vong niên với Rô-bớt Bri-hâm, với thời gian quen biết cỡ 20 năm, bằng đúng “tuổi” của quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ. Năm 1995, cũng là năm mà Mỹ và Việt Nam chính thức bình thường hóa quan hệ, ông gặp Rô-bớt Bri-hâm tại Hà Nội khi cả hai cùng tham dự một hội thảo quốc tế nằm trong khuôn khổ dự án Lịch sử ghi lại bằng lời (Oral History Project). Sự kiện này lúc đó rất nổi tiếng vì có sự tham gia của những cựu nhân viên của Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS)-tiền thân của CIA và những cựu binh từng tham gia Việt Minh nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Việt-Mỹ Thân hữu Hội (VAFA) nay là Hội Việt-Mỹ. Sau đó thì hai người còn gặp lại nhau trong một sự kiện khác trong khuôn khổ dự án này ở Long Island, Niu Y-oóc (Mỹ). Quen biết rồi trò chuyện, thư đi thư lại, rồi cả hai trở thành bạn bè thân thiết lúc nào không hay. Cho đến bây giờ, mỗi khi có dịp đến Việt Nam, nếu có thể là Rô-bớt Bri-hâm lại tìm gặp ông Thúy. Cũng chả có chuyện gì to tát, đôi khi chỉ là mời ông Thúy tham gia hỗ trợ một dự án liên quan đến Việt Nam hoặc là dăm ba câu chuyện về lịch sử.
Không nhiều người biết rằng, Rô-bớt Bri-hâm có một mối liên hệ đặc biệt với Việt Nam. Đại sứ Thúy kể rằng, Rô-bớt Bri-hâm từng tâm sự cha của ông đã mất tích khi tham gia chiến tranh ở Việt Nam, và dù đánh giá cao nỗ lực to lớn của phía Việt Nam trong việc tìm kiếm những người Mỹ mất tích trong chiến tranh, nhưng ông không còn hy vọng tìm được cha mình nữa. Tuy nhiên không vì thế mà Rô-bớt Bri-hâm không yêu mến Việt Nam, ngược lại ông còn trân trọng Việt Nam, trân trọng lịch sử và con người của đất nước này. Đó cũng là một trong những lý do sau này ông đồng ý tham gia viết cuốn sách Argument Without End: In Search of Answers to the Vietnam Tragedy (tạm dịch: Tranh cãi chưa có hồi kết: Tìm kiếm câu trả lời cho tấn bi kịch của Mỹ tại Việt Nam) cùng với người được cho là “kiến trúc sư” của cuộc chiến tranh Việt Nam-Mắc Na-ma-ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời hai tổng thống.
Rô-bớt Bri-hâm đã từng rất ngạc nhiên khi năm 1999, Mắc Na-ma-ra mời ông viết chung sách về Việt Nam. Bởi dù lúc đó ông đã khá nổi tiếng, nhưng nước Mỹ không hiếm những tên tuổi trong giới sử học.“Khi ông Mắc Na-ma-ra muốn tìm hiểu quá trình ra quyết định trong chiến tranh Việt Nam, ông ấy đã gọi điện và hỏi liệu rằng tôi có muốn cùng ông ấy và Giêm Blai (James Blight) của Đại học Brown tham gia hay không? Tất nhiên là khó có thể từ chối một cơ hội tốt như vậy để hiểu hơn về Việt Nam”, Bri-hâm viết trong email gửi chúng tôi. Bri-hâm có thể không tìm hiểu vì sao Mắc Na-ma-ra tìm đến ông, nhưng ông chắc chắn rằng, quyết định tham gia viết cuốn sách của mình là đúng đắn. Nhờ đó mà ông hiểu được thêm về cuộc chiến tranh Việt Nam.
Giả thuyết cơ bản trong cuốn sách Argument Without End: In Search of Answers to the Vietnam Tragedy là người ta đã bỏ qua những cơ hội để chấm dứt cuộc chiến tranh sớm hơn và không bên nào phải từ bỏ các mục tiêu địa-chính trị cơ bản của mình. Trong một cuốn sách viết trước đó, Mắc Na-ma-ra đã quan niệm, sự dính líu của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam như là một “tấn thảm kịch”. Rô-bớt Bri-hâm cho rằng, Mắc Na-ma-ra tin rằng, có nhiều điều để học hỏi về các cuộc đàm phán và cách thoát khỏi vòng xoáy leo thang căng thẳng từ cuộc chiến Việt Nam. “Ông ấy là một trong những nhà hoạch định chính sách tỉ mẩn nhất mà tôi từng gặp. Ông ấy thực sự tin rằng, bạn có thể rút ra bài học từ trong quá khứ và ông ấy muốn Chiến tranh Việt Nam giúp chúng ta hiểu hơn về xung đột và đàm phán”, Rô-bớt Bri-hâm giải thích trong bức thư gửi chúng tôi.
Ở Mỹ, cho đến bây giờ, cụm từ “Chiến tranh Việt Nam” vẫn là một vết sẹo mà nhiều khi người ta không muốn chạm tới bởi nó vẫn âm ỉ đau. Bản thân Rô-bớt Bri-hâm cũng thừa nhận rằng, chiến tranh Việt Nam vẫn còn là một sự kiện có ý nghĩa bước ngoặt đối với nhiều người tầm tuổi ông tại Mỹ. Cuộc chiến này đã khiến tất cả các chính sách ngoại giao khác của Mỹ được đưa lên bàn cân so sánh và sẽ luôn có tác động quan trọng đối với việc đưa ra một quyết định hoặc xung đột tại Mỹ.
Đối với Rô-bớt Bri-hâm, chiến tranh là sai lầm. Vì thế, ông đã rất nỗ lực đóng góp cho quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Rô-bớt Bri-hâm thường tổ chức những khóa học bao gồm: Nghiên cứu lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam cho giới trẻ Mỹ. Không chỉ người Mỹ mà có rất nhiều người Việt thế hệ thứ hai đăng ký những khóa học của Bri-hâm để có thể tìm về nguồn cội. Ông còn tổ chức cho các bạn trẻ Mỹ sang Việt Nam để có cơ hội trải nghiệm. Năm ngoái, Đại sứ Hoàng Công Thúy cũng đã hỗ trợ cho một nhóm bạn trẻ Mỹ đi thực tế Thành phố Hồ Chí Minh. Không cần nói ra nhưng ai cũng hiểu rằng, Bri-hâm cũng như Đại sứ Hoàng Công Thúy muốn thông qua những hoạt động này để giúp các bạn trẻ Mỹ hiểu hơn về Việt Nam, góp phần hòa giải thù hận giữa hai nước, tăng cường quan hệ giữa thế hệ trẻ và nhân dân hai nước.
Tháng 4 này, có rất nhiều cựu chiến binh Mỹ trở lại Việt Nam-mảnh đất khi xưa họ tham chiến. Một số cựu chiến binh ban đầu sợ trở lại nhưng rồi bất ngờ trước sự đón tiếp ấm áp của tất cả các thế hệ người Việt dành cho họ. Đại sứ Hoàng Công Thúy từng kể, trong một hội thảo liên quan đến hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam ở A-la-xca (Mỹ), có một cựu chiến binh Mỹ đã hỏi ông nguyên nhân gì khiến người Việt Nam lại bao dung như thế. Ông đã trả lời rằng: “Người Việt chúng tôi quan niệm rằng, thù hận thì không bao giờ chấm dứt được thù hận, chỉ có yêu thương mới có thể. Ngoài ra, đất nước chúng tôi đã từng phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, nếu như chúng tôi cứ giữ mãi hận thù thì chúng tôi sẽ không có bạn bè, đối tác. Đó là lý do mà chúng ta phải khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Người cựu chiến binh ấy sau khi nghe ông Thúy trả lời đã lặng đi một vài giây…
Quân Giải phóng Việt Nam giành quyền kiểm soát Sài Gòn vào ngày 30-4-1975, kết thúc cuộc chiến cướp đi sinh mạng của ước tính 3 triệu người Việt Nam và hơn 58.000 người Mỹ. 40 năm sau, Mỹ đang củng cố các mối quan hệ kinh tế và chiến lược với Việt Nam. Năm ngoái, Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Việt Nam cũng là một trong 12 quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn đầu. Cũng như vậy, sự có mặt của các cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam hôm nay và sự chào đón nồng hậu mà họ thường nhận được là tín hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đang tiến triển, kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Chiến tranh Việt Nam đã thật sự lui vào quá khứ.
Nhưng để đến được hôm nay, có những con người đã và đang ngày đêm miệt mài làm việc để hàn gắn vết thương chiến tranh, xoa dịu nỗi đau, biến hận thù thành tình bằng hữu: Đại sứ Hoàng Công Thúy, GS Rô-bớt Bri-hâm, Trung tá lục quân Mỹ Julian Trần, Đại tá QĐND Việt Nam Đào Xuân Kính và Đại tá Nguyễn Hữu Lương, hay sử gia lần đầu tiên đến Việt Nam Ma-xi Ri-vân (Marci Reaven)… và còn vô vàn những người khác từ cả hai phía. Sự có mặt và nỗ lực của họ có vai trò như những cây cầu bắc qua quá khứ, kết nối hiện tại và vươn dài tới tương lai quan hệ hai nước.
Cuối bức thư điện tử, Rô-bớt Bri-hâm viết rằng, ông rất vui khi thấy giờ đây Việt Nam và Mỹ đã có quan hệ hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau. “Tôi nghĩ quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển. Chúng ta đang chuyển từ đối tác thương mại sang đối tác an ninh và đó là một dấu hiệu cho thấy rõ rằng, quan hệ song phương đang có nền tảng vững chắc”, Rô-bớt Bri-hâm kết thúc bức thư.
NGỌC HÀ-LÂM TOÀN
Kỳ 1: Chiến tranh là câu chuyện của ngày hôm qua
Kỳ 2: Hành trình hàn gắn