Hãng tin Ria Novosti của Nga mới đây đã cho đăng tải tài liệu nghiên cứu của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s về tác động của các lệnh trừng phạt mới mà Mỹ nhằm vào Nga lên nền kinh tế của cường quốc này.

“Các lệnh trừng phạt mới này là nhân tố có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nga, vì nó có thể làm giảm nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Nga”, các chuyên gia của Moody’s nhận định. Theo Moody’s, dưới ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt mới, nguồn vốn đầu tư có thể rút khỏi nước Nga, đồng tiền nội tệ (RUB) của Nga cũng sẽ bị suy yếu và hậu quả là làm gia tăng lạm phát ở Nga. Theo đánh giá của Moody’s, tổng lượng vốn rút khỏi Nga trong quý 1 năm 2017 là 17,6 tỷ USD. Tuy nhiên, đây là con số nhỏ bé nếu so với lượng vốn nước ngoài rút khỏi Nga hồi năm 2014. Khi đó, lượng vốn rút khỏi Nga lên đến 152 tỷ USD.

leftcenterrightdel
Thách thức kinh tế từ các lệnh cấm vận mới của Mỹ nhằm vào Nga đang chờ đợi Tổng thống Vladimia Putin. Ảnh:ria.ru 
“Các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga của Mỹ là tín hiệu tiêu cực đối với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài khi họ vừa mới làm quen được với các điều kiện kinh doanh của các lệnh cấm vận hiện nay”, các chuyên gia Moody’s đánh giá. Moody’s cũng dự đoán rằng sau khi Washington thông qua các lệnh trừng phạt mới, Moskva sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. “Chúng tôi vẫn cho rằng trong năm nay, kinh tế Nga lần đầu tiên sẽ ghi nhận sự tăng trưởng kể từ năm 2014. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt mới của Mỹ sẽ đem đến rủi ro đối với kinh tế Nga nếu như các nhà đầu tư vẫn giữ thái độ thận trọng như trước đây”, Moody’s kết luận.

Trước đó, ngày 2-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào một số nước, trong đó có Nga. Mặc dù ủng hộ các biện pháp cứng rắn để trừng phạt và răn đe Nga, Iran và Triều Tiên, song Tổng thống Donald Trump cho rằng, các lệnh trừng phạt này là "sai lầm đáng kể". Lệnh cấm vận này được Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua trước đó, qua đó tạo sức ép buộc Tổng thống Donald Trump phải ký thông qua.

Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ chủ yếu nhằm vào lĩnh vực tài chính và năng lượng của Nga, trong đó có dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt  “Dòng chảy phương Bắc-2” vốn được triển khai để đưa khí đốt của Nga qua biển Baltic đến Đức.

Đối với Tổng thống Nga Vladimia Putin, các biện pháp trừng phạt mới sẽ là “rào cản” trong việc đưa nước Nga từng bước phục hồi nền kinh tế. Ngay khi có thông tin Tổng thống Mỹ ký thành luật trừng phạt Nga, tỷ giá đồng RUB đã giảm nhẹ. Phản ứng trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành luật trừng phạt Nga, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nhấn mạnh, nước Nga sẽ bình tĩnh tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội, tìm kiếm giải pháp thay thế nhập khẩu, giải quyết những nhiệm vụ quan trọng nhất của đất nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ với Nga để lại hậu quả lâu dài và Moskva cần phải nỗ lực để giảm thiệt hại, trong đó chú trọng tăng cường hoạt động thay thế nhập khẩu và giảm phụ thuộc vào đồng USD.

Sputnik mới đây đưa tin, trong 3 năm qua, lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ vào năm 2014 sau vụ sáp nhập Bán đảo Crimea đã mở ra triển vọng cho nước Nga trở thành một trong những cường quốc nông nghiệp hàng đầu thế giới. Nga đã chứng minh tiềm năng của mình trong lĩnh vực xuất khẩu ngũ cốc và lợi nhuận từ xuất khẩu nông nghiệp hiện nay vượt quá doanh thu từ bán vũ khí của Nga ra nước ngoài. Tín hiệu lạc quan này đã xua đi sự ảm đạm bao trùm nền kinh tế xứ sở Bạch dương sau một khoảng thời gian dài chịu ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maxim Oreshkin cho biết, các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đã giúp Nga chú trọng nhiều hơn đến chính sách kinh tế và thương mại. Dù vẫn còn đó những thách thức do các lệnh trừng phạt của phương Tây chưa có dấu hiệu chấm dứt cùng với các lệnh trừng phạt mới từ Mỹ thì dưới sự lãnh đạo của “người thuyền trưởng vững tay chèo” Vladimia Putin, quốc gia này sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài đối với nền kinh tế đang trên đà phục hồi. 

LÂM VŨ