Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt đỉnh trong 8 năm qua

Theo OECD, kinh tế toàn cầu tiếp tục đà tăng trưởng 3,6% trong năm nay, sau đó sẽ tăng lên 3,7% vào năm 2018 và lùi lại về mức 3,6% vào năm 2019. Tổ chức này cũng dự báo khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng trưởng vượt các nền kinh tế phát triển lớn khác, với tốc độ tăng trưởng 2,4% trong năm nay, song dự báo sẽ giảm xuống lần lượt 2,1% và 1,9% vào năm 2018 và 2019. Số liệu này đã có sự điều chỉnh tăng so với dự báo của OECD hồi tháng 9 vừa qua, vốn chỉ ở mức 2,1% năm 2017 và 1,9% năm 2018.

OECD cũng dự đoán nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng 2,2% trong năm nay và tăng lên mức 2,5% vào năm tới, nhờ chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập. Đối với Trung Quốc, tổ chức này giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế 6,8% trong năm nay, song tỷ lệ này giảm xuống còn 6,6% trong năm 2018 do xuất khẩu giảm sút. Nhật Bản, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế đạt 1,5% trong năm nay, sau đó giảm lần lượt xuống mức 1,2% năm 2018. Một nền kinh tế chủ chốt khác của châu Á là Hàn Quốc được OECD dự báo tăng trưởng 3,2% trong năm nay, nhờ xuất khẩu và đầu tư doanh nghiệp tăng, sau đó sẽ giảm xuống mức 3% trong năm 2018.

leftcenterrightdel
Một dây chuyền sản xuất ô tô ở Hoa Kỳ. Ảnh: The Balance 
Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của tổ chức kinh tế danh tiếng Conference Board, có trụ sở tại New York cho biết, sau khi tăng trưởng cao hơn dự đoán trong năm 2017, nền kinh tế thế giới có khả năng sẽ duy trì được đà hiện nay, đạt mức tăng trên 3% trong cả năm 2018. Ông Bart van Ark, chuyên gia thuộc Conference Board cho biết, tăng trưởng toàn cầu đã thực sự phục hồi kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính.

Cũng chung nhận định “tươi sáng” cho bức tranh kinh tế năm 2018, trong bài viết “Nền kinh tế thế giới 2018”, tác giả Michael Spence, Giáo sư kinh tế Trường Đại học New York, người từng đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001 nhận định, với các nước phát triển, năm 2017 dường như là khoảng thời gian nhiều nền kinh tế đạt được sự tăng trưởng trong bối cảnh xuất hiện các căng thẳng, sự chia rẽ và phân cực về chính trị ở cả trong nước và quốc tế. Trong dài hạn, kinh tế thế giới có thể không bị ảnh hưởng nhiều bởi các vấn đề chính trị-xã hội. Cho đến nay, các thị trường và nhiều nền kinh tế đã tránh được các tác động mạnh từ những bất ổn chính trị. Nguy cơ suy thoái trong ngắn hạn dường như không còn.

Nền tảng công nghệ số sẽ giúp tạo ra những cơ hội mới

Giáo sư Michael Spence cho rằng, trong thời đại công nghệ số, Trung Quốc và Hoa Kỳ dường như vẫn sẽ là những nước thống trị trong những năm tới. Hai nước tiếp tục đầu tư cho các nghiên cứu cơ bản, do đó sẽ gặt hái được lợi ích khi các phát minh được thương mại hóa. Đây cũng là những nước xuất hiện các tương tác về kinh tế và xã hội, do đó sẽ được hưởng lợi từ các hiệu ứng mạng, rút ngắn được khoảng cách thông tin, và quan trọng hơn cả đó là năng lực trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng của chúng sẽ giúp tạo ra được một lượng lớn dữ liệu quan trọng.

Nền tảng công nghệ số sẽ giúp tạo ra những cơ hội mới trong các lĩnh vực quảng cáo, hậu cần và tài chính, ví dụ như Trung Quốc. Nước này đang là nước dẫn đầu về thanh toán trực tuyến với hầu hết dân số Trung Quốc đang chuyển từ tiền mặt sang các hệ thống thanh toán trực tuyến di động, bỏ qua việc sử dụng séc và thẻ tín dụng; hệ thống thanh toán của Trung Quốc đang chứng minh được sức mạnh của mình. Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển và đang phát triển tiếp tục nỗ lực hướng tới mô hình phát triển toàn diện. Tự động hóa sẽ giúp thay đổi nhu cầu của thị trường lao động, trong khi các lĩnh vực từ sản xuất, hậu cần đến y tế, luật pháp, và nhu cầu lao động có thể giảm.

Cho dù có nhiều gam màu tươi sáng, song Conference Board cũng cảnh báo một số nhân tố có thể ảnh hưởng tới đà tăng trưởng hiện nay. Đó là nguy cơ về chính sách thiên về nội địa và địa chính trị; những cuộc đàm phán kéo dài như Brexit và những mối đe dọa khác đối với sự ổn định của châu Âu; làn sóng chủ nghĩa bảo hộ lên cao hay thậm chí là chiến tranh mậu dịch giữa các cường quốc kinh tế, cùng xuất hiện nguy cơ nổ ra xung đột chính trị hoặc thậm chí quân sự tại nhiều nơi trên thế giới.

NGUYỄN HÒA