Đây là chia sẻ từ cháu trai của cụ bà Xiao Zhen Xie, người được biết đến trên các phương tiện truyền thông quốc tế thời gian qua, sau sự việc đáp trả mạnh mẽ một người đàn ông Mỹ da trắng khi bị tấn công trên đường phố tại thành phố San Francisco, bang California (Mỹ), khiến y ngã gục xuống đất.

Theo NPR, một người cháu của cụ Xiao Zhen Xie đã lập ra trang web GoFundMe với ý định ban đầu là kêu gọi quyên góp khoảng 50.000USD để giúp cụ bà 75 tuổi trang trải viện phí sau khi bị tấn công. Qua trang web này, hàng nghìn người đã ủng hộ cụ bà với số tiền lên tới gần 1 triệu USD. Chia sẻ với báo chí mới đây, người cháu John Chen cho biết, cụ Xiao Zhen Xie đã quyết định ủng hộ toàn bộ số tiền gần 1 triệu USD này cho các nỗ lực chống nạn phân biệt chủng tộc nhằm vào người gốc Á tại Mỹ. “Bà đã nhất quyết đưa ra quyết định như vậy, cho rằng việc chống phân biệt chủng tộc quan trọng hơn bản thân bà. Đây là quyết định của ông, bà và gia đình chúng tôi. Chúng tôi hy vọng mọi người sẽ hiểu”, CBS News dẫn lời anh John Chen.

Vụ tấn công nhằm vào cụ bà Xiao Zhen Xie chỉ là một trong số nhiều hành động phân biệt đối xử, bạo lực chống lại cộng đồng người gốc Á tại Mỹ trong thời gian qua. AP cho biết, đã hơn một năm sau khi suýt bị đâm chết tại một siêu thị ở bang Texas, trên người anh Bawi Cung, một người Mỹ gốc Myanmar và hai cậu con trai vẫn còn chi chít những vết sẹo. Thế nhưng, theo AP, chính “những vết sẹo không nhìn thấy” mới khó lành bởi kể từ sau vụ tấn công, Bawi Cung không dám đi qua bất kỳ cửa hàng nào mà không ngó trước, nhìn sau cho dù thủ phạm đã bị kết án tù. Anh giờ đây luôn cảm thấy đau lòng mỗi lần nghe thấy có vụ tấn công bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á. “Tôi có thể tha thứ cho y, nhưng chúng tôi không thể chấp nhận sự phân biệt chủng tộc hay tấn công khủng bố kiểu đó. Tôi vẫn luôn tự hào là người gốc Á”, Bawi Cung chia sẻ với AP.

Những vụ việc như của cụ bà Xiao Zhen Xie hay anh Bawi Cung không chỉ là câu chuyện của riêng nước Mỹ. Theo CNN, tại các nước phương Tây, vấn nạn kỳ thị người gốc Á có xu hướng lan rộng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Một ví dụ cụ thể là trường hợp giảng viên Peng Wang, 37 tuổi, tại Đại học Southampton của Anh đã bị 4 thanh niên da trắng hành hung trong lúc đang chạy bộ gần nhà hồi cuối tháng 2 vừa qua chỉ vì anh là người gốc Á.

Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu về thù hận và chủ nghĩa cực đoan tại Đại học bang California, San Bernardino (Mỹ) công bố gần đây cho thấy, các tội ác thù hận nhằm vào người Mỹ gốc Á đã tăng gần 150% trong năm 2020 so với năm trước “trong bối cảnh gia tăng các ca nhiễm SARS-CoV-2 và định kiến tiêu cực với người gốc Á liên quan đến đại dịch”. Tờ Financial Times dẫn lời Giáo sư Elizabeth OuYang tại Đại học New York (Mỹ) nhận định, có những điểm tương đồng về tình cảnh của người gốc Á hiện nay với sự kỳ thị đối với người Hồi giáo sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001. Trong khi đó, trả lời CNN, bà Vivien Tsou, Giám đốc Diễn đàn phụ nữ Mỹ gốc châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, người gốc Á là mục tiêu tấn công của cùng một lực lượng thù hận vốn cũng nhằm vào người gốc Phi. “Tất cả đều bắt nguồn từ quan điểm da trắng thượng đẳng và ai cũng có thể trở thành “vật tế thần” bất cứ lúc nào. Đây là điều chúng ta cần cùng đối mặt và đoàn kết để chống lại”, bà Vivien Tsou nhấn mạnh.

Trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, có thể “trong vài năm tới” mới có thể xác định được nguồn gốc của dịch Covid-19, các hành động tấn công, quấy rối, chỉ trích và đổ lỗi cho người gốc Á về đại dịch vẫn xảy ra. Những hành động sai trái ấy, theo như lời của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cần phải dừng lại bởi ngay tại các nước phương Tây, chính nhiều người gốc Á lại “đang ở tuyến đầu chống đại dịch này, nỗ lực cứu người nhưng lại buộc phải sống trong nỗi sợ hãi về tính mạng”. “Im lặng tức là đồng lõa. Chúng ta không được phép đồng lõa. Thù hận không được có bến đỗ an toàn. Nó phải dừng lại. Tất cả chúng ta phải cùng nhau làm cho tình trạng này chấm dứt”, tờ Los Angeles Times dẫn lời Tổng thống Biden.

HOÀNG VŨ