QĐND - Ngày 10-9, tại thủ đô Phnôm Pênh (Vương quốc Cam-pu-chia), Ủy ban chuyên trách Chính phủ Việt Nam và Hội đồng Quốc gia Mặt trận đoàn kết phát triển Tổ quốc Cam-pu-chia tổ chức hội nghị phối hợp khảo sát, đánh giá thực trạng, đề xuất phương án tu bổ, tôn tạo, nâng cấp các tượng đài hữu nghị Việt Nam-Cam-pu-chia đã xây dựng trên đất Cam-pu-chia. Với quyết tâm cao, hai bên khẳng định sẽ triển khai nhanh chóng, hiệu quả công việc tu bổ, tôn tạo các tượng đài hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia, góp phần vun đắp truyền thống đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia. 

Biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị

Tham dự hội nghị, về phía Việt Nam có: Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Ủy ban chuyên trách Chính phủ Việt Nam làm trưởng đoàn; Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban chuyên trách Chính phủ Việt Nam; đồng chí Nguyễn Lam, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các thành viên.

Thượng tướng Nguyễn Thành Cung và ngài Min Khin tại hội nghị.

Về phía Cam-pu-chia có ngài Min Khin, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Quốc gia Mặt trận đoàn kết phát triển Tổ quốc Cam-pu-chia làm trưởng đoàn và các thành viên.

Không gian của Đài tưởng niệm Quân tình nguyện Việt Nam tại thủ đô Phnôm Pênh thêm uy nghi, lộng lẫy. Hình ảnh tượng đài tạc hình một người lính Cam-pu-chia và một chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đứng bảo vệ một thiếu phụ và đứa con từ lâu in sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Cam-pu-chia. Vào các dịp lễ, Tết, người dân đất nước chùa Tháp lại hội tụ dưới chân tượng đài, dâng hoa tưởng nhớ công lao các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp chống kẻ thù chung và cứu nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng. Anh Ngi Vandy, ở số nhà 273B, phố Pô-chen-tông, thủ đô Phnôm Pênh, nói: “Hình ảnh Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam cùng với quân đội và nhân dân Cam-pu-chia chiến đấu anh dũng mang lại độc lập, tự do để đất nước Cam-pu-chia hồi sinh và phát triển được chúng tôi học ở trường cũng như qua lời kể của ông bà thật thiêng liêng. Đất nước Cam-pu-chia được như ngày hôm nay có sự đóng góp rất lớn bằng xương máu của Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam vì sự nghiệp quốc tế cao cả. Chính điều đó mà mỗi lần đến đây, trong tôi luôn trào dâng cảm xúc với lòng thành kính và sự biết ơn vô hạn. Chúng tôi-những người sinh ra sau chiến tranh mãi mãi trân trọng, khắc ghi mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt này”.

Những ngày có mặt ở Vương quốc Cam-pu-chia, chúng tôi tình cờ được nghe cựu chiến binh Lê Duy Nga, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4B, Sư đoàn 379 kể với các bạn trẻ ở thủ đô Phnôm Pênh ngay tại Tượng đài Quân tình nguyện Việt Nam câu chuyện về hai năm sống, chiến đấu trên mảnh đất Cam-pu-chia. Trong câu chuyện của mình, ông không nói nhiều về những hy sinh, vất vả của bộ đội Việt Nam khi làm nhiệm vụ quốc tế trên đất Cam-pu-chia mà đi sâu vào việc quân đội và nhân dân Cam-pu-chia luôn sát cánh và giúp đỡ bộ đội Việt Nam hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

35 năm qua kể từ ngày chế độ diệt chủng Pôn-pốt bị lật đổ, đất nước Cam-pu-chia đang phát triển mạnh mẽ. Cuộc sống của người dân Cam-pu-chia không ngừng cải thiện. Mối đoàn kết giữa hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia ngày càng gắn bó mật thiết. Sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đến nay luôn được nhân dân Cam-pu-chia ghi nhớ. Theo bà Men Sam On, Phó thủ tướng Thường trực, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia thì, nếu không có sự giúp đỡ của Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam thì không có đất nước Cam-pu-chia ngày hôm nay. Vì thế, việc duy trì, phát huy, gìn giữ mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia là trách nhiệm và tình cảm của mọi thế hệ người dân Cam-pu-chia.

Tượng đài hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia là công trình được chính quyền Cam-pu-chia xây dựng trên cơ sở nguyện vọng của nhân dân với sự tôn vinh, ghi công các anh hùng liệt sĩ và nhân dân hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia đã chiến đấu hy sinh chống kẻ thù chung, cứu dân tộc và đất nước Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng. Đây là công trình không chỉ có không gian nghệ thuật mà còn là biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia.

Vun đắp cho muôn đời sau

Cùng với thời gian, công trình Đài hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia ở nhiều nơi trên đất Cam-pu-chia đã xuống cấp. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia Xam-đéc Hun Xen đã có sự thống nhất về việc phối hợp khảo sát, đánh giá thực trạng, đề xuất phương án tu bổ, tôn tạo, nâng cấp các tượng đài hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia đã xây dựng trên đất Cam-pu-chia. Ngài Min Khin cho biết: “Chúng tôi xác định đây là việc làm thiết thực, đầy ý nghĩa, thể hiện tình cảm, trách nhiệm với những đóng góp, hy sinh của quân đội và nhân dân hai nước đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước Cam-pu-chia; vun đắp truyền thống đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia. Chúng tôi sẽ huy động các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương các cấp có tượng đài chuẩn bị cho việc tu bổ, tôn tạo được thuận lợi và diễn ra nhanh nhất”.

Tại hội nghị, hai bên thống nhất về mặt nội dung thỏa thuận được chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ hai nước triển khai sắp tới. Trong đó, hai bên sẽ thành lập tổ chuyên viên gồm các cơ quan liên quan trực tiếp khảo sát tại các địa phương của Cam-pu-chia có tượng đài đã xây dựng. Kết thúc khảo sát từng tượng đài, tổ chuyên viên hai bên và đại diện chính quyền địa phương thống nhất đề nghị các hạng mục tu bổ, tôn tạo đảm bảo công trình có độ bền vững, thể hiện được truyền thống hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia, phù hợp với văn hóa truyền thống của Cam-pu-chia.

Thượng tướng Nguyễn Thành Cung nhấn mạnh: “Tượng đài là di sản, biểu tượng tình đoàn kết, hữu nghị của hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia. Vì vậy, việc tu bổ, tôn tạo, nâng cấp các tượng đài phải đảm bảo đúng tầm vóc ý nghĩa lịch sử, thể hiện sự kính trọng, tri ân với những người đã ngã xuống cũng như mối quan hệ đoàn kết, gắn bó lâu đời giữa Việt Nam - Cam-pu-chia. Thông qua đó có tác dụng giáo dục cho thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy được mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị bền vững”.

Chiều cùng ngày, Đoàn công tác của Ủy ban chuyên trách Chính phủ Việt Nam đã có buổi làm việc với Đại tướng Tia Banh, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Cam-pu-chia về vấn đề này. Đại tướng Tia Banh nhất trí cao với đề xuất của Việt Nam và sẽ chỉ đạo Bộ Quốc phòng làm tốt công việc được Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia chỉ đạo.

Bài và ảnh: ĐỨC DỤC