Nguy cơ có thật ở Đông Nam Á

Mạng tin Chanel NewsAsia cho biết, căn cứ vào các nguồn tin tình báo, hàng nghìn tay súng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bắt đầu chạy trốn khỏi I-rắc, Xy-ri và di chuyển đến khu vực Đông Nam Á. Các phần tử này hoặc trở về quê hương hoặc tìm địa điểm an toàn ở một số khu vực.

Viện Phân tích Chính sách xung đột (IPAC) có trụ sở tại Gia-các-ta, In-đô-nê-xi-a cảnh báo Đông Nam Á đang phải đối mặt với nguy cơ bạo lực cực đoan gia tăng do những phần tử ủng hộ IS đang đẩy mạnh phối hợp với nhau. Báo cáo của IPAC cho biết, ít nhất có 4 nhóm ủng hộ IS ở khu vực Min-đa-nao, miền Nam Phi-líp-pin cũng như những mối liên hệ của chúng với các tổ chức ở các nước láng giềng. Theo báo cáo của IPAC, mối nguy hiểm nằm ở chỗ, hầu hết các nhóm Hồi giáo cực đoan này đã thề trung thành với IS. Những nhóm này cũng liên kết với các tổ chức khác trong khu vực, đặc biệt là ở In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a.

leftcenterrightdel
 Lực lượng đặc nhiệm In-đô-nê-xi-a trong một tình huống diễn tập chống khủng bố. Ảnh: Asia Sentinel
Về mối đe dọa khủng bố mới đang gia tăng ở Đông Nam Á, tờ Straitstimes số ra mới đây đăng bài phân tích của Tiến sĩ A.K.Crô-nin (Audrey Kurth Cronin), chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học American và Tiến sĩ P.M.Crô-nin (Patrick M.Cronin), Giám đốc cấp cao của Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc Trung tâm nghiên cứu về một nền an ninh mới của Mỹ (CNAS) đã đưa ra nhận định khi nhìn nhận âm mưu của khủng bố phóng tên lửa từ đảo Ba-tam (khu vực tam giác giữa In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po) của In-đô-nê-xi-a nhằm vào khu vực đông đúc tại Xin-ga-po ở vịnh Ma-ri-na đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về mối đe dọa khủng bố đang gia tăng tại châu Á.

Sử dụng tối đa sức mạnh quân đội 

Trước những hoạt động dồn dập của khủng bố tại Đông Nam Á thời gian gần đây, chính quyền nhiều nước Đông Nam Á đã nâng mức cảnh báo đối với lực lượng chống khủng bố, tăng cường tuyên truyền nhận thức cho người dân. Trong một diễn biến mới nhất, ngày 13-3, người phát ngôn của Cảnh sát Quốc gia In-đô-nê-xi-a, Tổng thanh tra Ráp-li A-ma (Boy Rafly Amar) cho biết đội đặc nhiệm chống khủng bố của cảnh sát quốc gia nước này vừa bắt giữ 2 đối tượng tình nghi chế tạo bom và tiếp tay cho một vụ khủng bố. Cùng ngày (13-3), lực lượng cảnh sát chống khủng bố Ma-lai-xi-a đã bắt giữ 7 đối tượng gồm 5 đàn ông và 2 phụ nữ, bị tình nghi có liên quan tới IS trong một chuỗi chiến dịch diễn ra từ ngày 8 đến 12-3 tại hai bang của Ma-lai-xi-a.

Nhiều nước đã chủ động thành lập các lực lượng đặc biệt để tấn công và trấn áp khủng bố. In-đô-nê-xi-a mới đây đã thành lập thêm Alpha 29, một đơn vị của 3.000 cảnh sát đặc nhiệm chống khủng bố tinh nhuệ. Đơn vị này đã thành công trong chiến dịch Tinombala khi tiêu diệt trùm khủng bố A.Oa-đa (Abu Wardah), hay còn được gọi là "Santoso" đang bị truy nã gắt gao nhất ở In-đô-nê-xi-a. Chiến dịch Tinombala thành công nhờ sự phối hợp giữa quân đội và cảnh sát In-đô-nê-xi-a. Điều này đã phản ánh một giai đoạn mới trong chiến lược chống chủ nghĩa khủng bố của quốc gia này trước những kẻ dày dạn kỹ năng chiến đấu, đủ sức chống lại các lực lượng an ninh. Thành công của In-đô-nê-xi-a đang được nhiều nước chia sẻ kinh nghiệm.

Thực tế hiện chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào về sự hiện diện của IS tại Đông Nam Á cũng như những mối đe dọa đáng kể của tổ chức này. Tuy nhiên, trong bối cảnh IS đang mất dần các vùng lãnh thổ chiếm đóng, ngày càng có nhiều người lo ngại về nguy cơ tổ chức khủng bố này tìm cách hoạt động tại nước ngoài. Các biện pháp chống khủng bố đã được nhiều quốc gia thực hiện song song với các kế hoạch ngăn chặn và triệt phá nhiều âm mưu tấn công của những “kẻ trở về”.

In-đô-nê-xi-a đang có những bước đi tích cực nhằm thực hiện hàng loạt biện pháp với mục tiêu rõ ràng. Về mặt pháp lý, chính quyền In-đô-nê-xi-a đã củng cố và mở rộng quyền hạn cho lực lượng an ninh, cho phép giới chức bắt giữ các nghi phạm mà không cần thẩm vấn hay điều tra trước đó, câu lưu những cá nhân có liên quan tới hoạt động huấn luyện khủng bố ở nước ngoài, hay thậm chí là tước bỏ quyền công dân với những kẻ có tội.

Lực lượng vũ trang In-đô-nê-xi-a, đặc biệt là quân đội bắt đầu đóng vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống khủng bố, phối hợp với cảnh sát để bảo vệ đất nước. Bước đột phá trong mở rộng vai trò của quân đội là việc năm 2011, một sĩ quan quân đội cấp cao đã tham gia vào Cơ quan Chống khủng bố quốc gia (BNPT), một cơ quan do giới chức cảnh sát lãnh đạo. Kể từ đó, quân đội ngày càng đóng nhiều vai trò hơn trong các chiến dịch chống khủng bố tại In-đô-nê-xi-a. Tháng 9-2013, quân đội được phép hỗ trợ cảnh sát trong việc thu thập thông tin về các hoạt động khủng bố trong nước. Tới tháng 3-2015, các quân nhân bắt đầu luyện tập chống khủng bố cùng với cảnh sát. Vai trò độc quyền của cảnh sát trong chống khủng bố vốn được quy định từ năm 2002 đã chính thức chấm dứt.

Một yếu tố hàng đầu dẫn tới việc tăng cường các chiến dịch chống khủng bố chung giữa lực lượng cảnh sát và quân đội chính là khả năng đa dạng của quân đội In-đô-nê-xi-a được xây dựng trong những năm vừa qua. Sự gia tăng của các phần tử khủng bố từ trong nước đã buộc quân đội In-đô-nê-xi-a phải đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố.

Sự hiện diện của quân đội ngay cả ở những ngôi làng xa xôi hẻo lánh đã tạo ra một nguồn lực vô cùng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, sức mạnh toàn diện của quân đội trong cuộc chiến chống khủng bố bằng việc sở hữu những đơn vị chiến đấu được đào tạo bài bản, cùng với nguồn thông tin tình báo đáng tin cậy là những nhân tố giúp quân đội thay thế cảnh sát triển khai nhiệm vụ chống khủng bố hiện nay.

NGUYỄN HÒA