Trong báo cáo mới nhất về triển vọng của nền kinh tế toàn cầu được công bố ngày 13-10 tại kỳ họp thường niên với Ngân hàng Thế giới (WB) theo hình thức trực tuyến, IMF đã dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới sẽ giảm khoảng 4,4% trong năm 2020, thay vì mức 5,2% đưa ra hồi tháng 6 vừa qua. Tổ chức tài chính có trụ sở tại Washington D.C (Mỹ) cho biết, thiệt hại do dịch Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ không nghiêm trọng như những dự báo trước đó nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của các chính phủ trong việc nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt và hoạt động kinh doanh được mở trở lại.

Đối với các nền kinh tế lớn trên thế giới, IMF dự báo trong năm nay, kinh tế Mỹ có thể giảm 4,3%; khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm 8,3%; kinh tế Anh giảm 9,8% và kinh tế Nhật Bản giảm 5,3%. Trong khi đó, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất dự kiến có thể tăng trưởng 1,9%. Nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath cho rằng chính sự tăng trưởng của quốc gia đông dân nhất thế giới giúp kéo các chỉ số toàn cầu tăng lên đôi chút. Những khu vực khác như châu Âu hay Mỹ Latin sẽ phải đợi đến năm 2023 mới có thể trở về mức tăng trưởng như trước khi đại dịch bùng phát. Mặt khác, IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng từ mức 5,4% xuống còn 5,2% đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm sau.

Một góc cảng Bremerhaven ở Đức. Ảnh: Bloomberg News.

Theo IMF, mặc dù hầu hết các nền kinh tế phát triển sẽ hồi phục vào năm 2021 nhưng cũng không thể bù đắp được hết những thiệt hại của năm 2020. GDP của đa số các quốc gia vào cuối năm sau sẽ vẫn duy trì dưới mức của năm 2019 và thấp hơn đáng kể so với các dự báo trước đại dịch. Có thể nói, dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai trở lại đây. Thậm chí, việc các doanh nghiệp phải đóng cửa và các nước áp đặt lệnh phong tỏa có thể đẩy thế giới rơi vào suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái những năm 1930. 

Cũng theo báo cáo của IMF, tổng giao dịch thương mại thế giới sẽ tăng khoảng 8,3% trong năm 2021 sau khi giảm 10,4% trong năm nay. Điều này cho thấy các nước sẽ mất khoảng vài năm để có thể phục hồi kinh tế hoàn toàn. Trước đó, nhà kinh tế trưởng của WB Carmen Reinhart cũng nhận định, phải tới năm 2025 thì “vết sẹo” do dịch Covid-19 gây ra cho sức khỏe của kinh tế thế giới mới thực sự lành.

Các chuyên gia IMF cho biết, triển vọng kinh tế thế giới vẫn chưa chắc chắn và phụ thuộc chủ yếu vào diễn biến dịch Covid-19. Ở tình huống bất lợi, khi việc kiểm soát dịch bệnh trở nên khó khăn hơn dự kiến, các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 sẽ khiến con số dự báo về tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu năm 2020 giảm 0,75 điểm phần trăm và năm 2021 sẽ giảm gần 3 điểm phần trăm, so với mức dự báo tăng trưởng 5,2% hiện nay. Trong trường hợp thuận lợi, nếu cuộc chiến chống dịch Covid-19 tiến triển tốt hơn nhiều so với ở tình huống bất lợi, triển vọng kinh tế thế giới có thể tăng trưởng cao hơn gần 0,5 điểm phần trăm trong năm 2021 và cao hơn gần 1 điểm phần trăm vào năm 2023. Kịch bản thứ nhất dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm 28.000 tỷ USD trong 5 năm tới, còn kịch bản thứ hai dự báo GDP toàn cầu vào năm 2025 sẽ cao hơn gần 2% so với trong kịch bản thứ nhất.

Mặc dù thế giới đang đối mặt trước làn sóng dịch Covid-19 thứ hai, nhưng vẫn có nhiều cơ sở để hy vọng thời điểm hết sức khó khăn này sẽ sớm qua đi khi công tác xét nghiệm Covid-19 được tiến hành trên diện rộng, nỗ lực điều trị bệnh có nhiều tiến triển, quá trình thử nghiệm vaccine được thúc đẩy với tốc độ chưa từng có. Cùng với đó, sự ứng phó nhanh, kịp thời về nhiều mặt của các chính phủ trên thế giới giúp nền kinh tế toàn cầu dần sáng sủa hơn. Một số nền kinh tế đã vận hành tốt hơn mong đợi, thậm chí nhiều nền kinh tế cho thấy có dấu hiệu phục hồi.

Hiện các quốc gia và nhiều tổ chức tài chính quốc tế cũng đang đánh giá tác động của đại dịch đối với kinh tế thế giới. Vẫn còn nhiều quan điểm chưa đồng nhất nhau nhưng tất cả đều cho rằng nền kinh tế toàn cầu hậu Covid-19 sẽ rất khác so với trước đây.

VĂN HIẾU