The Times of Israel dẫn nguồn tin từ một quan chức Israel cho hay, Tel Aviv không cử phái đoàn tham dự đàm phán tại Cairo lần này, sau khi Hamas từ chối cung cấp danh sách các con tin đang bị giam giữ. Nguồn tin cũng cho hay, Israel nghi ngờ thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar “không có ý định đạt thỏa thuận ngừng bắn mà còn hy vọng bạo lực sẽ leo thang trong tháng Ramadan”.

leftcenterrightdel
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu trong sự kiện tại Selma, Alabama (Mỹ), ngày 3-3. Ảnh: Reuters

Áp lực về một thỏa thuận ngừng bắn đã gia tăng vào tuần trước sau khi hơn 100 dân thường Palestine thiệt mạng trong một buổi phân phát hàng cứu trợ ở Gaza, “gây ra sự phẫn nộ từ các nhà lãnh đạo châu Âu”, AP nhận định. Trước đó, hãng tin này dẫn lời một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết, Israel về cơ bản đã tán thành khuôn khổ của thỏa thuận được đề xuất, bao gồm lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần ở Gaza cũng như việc Hamas trả tự do cho các con tin là phụ nữ, trẻ em và người đau ốm.

Cùng với việc gây sức ép với đồng minh Israel, Tổng thống Mỹ Joe Biden kỳ vọng các bên sẽ đạt được thỏa thuận ngừng bắn trước khi tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo bắt đầu vào ngày 10-3 tới.

Trong một động thái liên quan, cũng trong ngày 3-3, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris gay gắt chỉ trích Chính phủ Israel đã hành động không đủ để giảm bớt “thảm họa nhân đạo” ở Gaza. Phát biểu tại một sự kiện ở Selma, bang Alabama (Mỹ), bà Harris tuyên bố: “Trước quy mô to lớn của thảm họa nhân đạo ở Gaza, phải có lệnh ngừng bắn ngay lập tức... Chính phủ Israel phải làm nhiều hơn nữa để tăng đáng kể dòng viện trợ. Không có lý do gì để bào chữa cả”.

Bà Harris cũng nhấn mạnh, Israel phải mở các cửa khẩu biên giới mới, không áp đặt "những hạn chế không cần thiết" đối với việc cung cấp viện trợ, bảo vệ nhân viên và các đoàn xe cứu trợ, đồng thời nỗ lực khôi phục các dịch vụ cơ bản và thúc đẩy trật tự để "nhiều thực phẩm, nước và nhiên liệu hơn có thể đến tay người dân ở Gaza”. Chỉ trích của bà Harris được cho là phản ánh sự thất vọng của nhà cầm quyền Mỹ đối với Israel về cách thức xử lý cuộc xung đột tại Gaza, vốn đang tác động tiêu cực tới uy tín của Tổng thống Joe Biden trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang tới gần.

leftcenterrightdel
Ông Benny Gantz (bên phải) đang nổi lên như một đối thủ chính trị của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (bên trái). Ảnh: AFP

Trong một diễn biến khác, một thành viên Nội các chiến tranh Israel, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz đã lên đường tới Washington để gặp Phó tổng thống Harris, Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan. Điều đáng nói là, Thủ tướng Netanyahu đã “không biết gì về chuyến đi” cho tới khi ông Gantz gọi điện thông báo và thảo luận về những thông điệp cần truyền tải tới người Mỹ.

The Times of Israel mô tả, sự việc trên khiến ông Netanyahu nổi giận và tuyên bố thẳng thừng “Israel chỉ có một thủ tướng”, rằng chuyến đi Mỹ của ông Gantz “không được Thủ tướng cho phép”. Bất chấp thực tế đó, văn phòng của ông Gantz tuyên bố chuyến đi vẫn diễn ra theo kế hoạch, “nhằm tăng cường quan hệ với Washington, tăng cường hỗ trợ cho chiến dịch trên bộ của Israel và giúp giải thoát các con tin Israel đang bị giam giữ ở Gaza”.

Sự việc là dấu hiệu cho thấy những rạn nứt ngày càng gia tăng trong nội bộ Chính phủ Israel sau gần 5 tháng diễn ra cuộc xung đột với Hamas. Theo hầu hết các cuộc thăm dò dư luận tại Israel, uy tín của Thủ tướng Netanyahu đã sụt giảm nghiêm trọng kể từ khi xung đột bùng nổ. Trong khi đó, ông Gantz với đường lối ôn hòa đang nổi lên như một đối thủ chính trị “đáng gờm” của Thủ tướng Netanyahu.

HÀ PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.