Theo tờ The Economic Times, giữa tuần này, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sau khi lũ lụt kèm mưa lớn trên diện rộng ảnh hưởng nghiêm trọng đến 7 trong số 9 tỉnh của đất nước. Lũ lụt do mưa lớn kéo dài nhiều ngày ở Nam Phi là một trong những hệ quả của hiện tượng thời tiết La Niña.

Phủ Tổng thống Nam Phi thông báo lũ lụt đã nhấn chìm nhiều ngôi nhà và phương tiện giao thông, gây hư hại nặng cho hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản ở nhiều địa phương, trong đó có cả thủ đô hành chính Pretoria và trung tâm kinh tế Johannesburg.

leftcenterrightdel
Lũ lụt gây cản trở giao thông trên một tuyến đường thuộc tỉnh Mpumalanga của Nam Phi. Ảnh: AFP 

Phủ Tổng thống Nam Phi cũng nhấn mạnh rằng, tình hình hiện tại đòi hỏi Chính phủ phải cung cấp nơi trú ẩn tạm thời, đồ ăn và chăn ấm cho nhiều gia đình, đặc biệt là những người vô gia cư, và dự kiến sẽ phải chi một khoản tiền lớn cho việc phục hồi cơ sở hạ tầng ở nước này. Việc ban bố tình trạng thảm họa quốc gia nhằm tạo điều kiện để Chính phủ Nam Phi có thể mua sắm, cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho những người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, đồng thời bỏ qua các hạn chế theo luật hiện hành của nước này.

Trước đó, theo Reuters, trong Thông điệp quốc gia hằng năm đưa ra vào ngày 9-2 vừa qua, Tổng thống Ramaphosa đã tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia do mất điện nghiêm trọng diễn ra trên khắp nước này. Trên thực tế, tình trạng thiếu điện đã diễn ra trong nhiều năm tại Nam Phi, song vài năm trở lại đây càng trở nên đặc biệt nghiêm trọng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là do sự chậm trễ trong việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới, cùng với đó là tình trạng phá hoại và tham nhũng trong các hợp đồng cung cấp than... Trong khi đó, các nhà cung cấp tư nhân vẫn chưa được nới lỏng quy định để có thể đưa năng lượng tái tạo vào khai thác. Hệ quả là Tập đoàn Điện lực quốc gia Eskom của Nam Phi buộc phải thực hiện cắt điện luân phiên trên toàn quốc nhằm giảm tải cho hệ thống cấp điện cũ kỹ.

Cũng giống như hiện tượng lũ lụt đang xảy ra, cuộc khủng hoảng năng lượng đang gây thiệt hại lớn cho nhiều ngành kinh tế, sản xuất ở Nam Phi, điển hình là ngành nông nghiệp và thực phẩm. Việc cắt điện trong thời gian dài ở mức kỷ lục đã khiến giá thực phẩm tăng cao, đẩy cuộc sống của nhiều hộ gia đình nghèo vào tình cảnh đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Hiệp hội Gia cầm Nam Phi cho biết, chính sách cắt điện luân phiên diễn ra trên toàn quốc cũng khiến hoạt động ở các lò mổ chậm lại, gây ra tình trạng thiếu thịt gà, trong khi cũng vì lý do này mà người nông dân không thể giữ cho sản phẩm của mình tươi ngon. Cuối tháng 12 năm ngoái, báo chí địa phương dẫn lời một chủ trang trại chăn nuôi gia cầm ở tỉnh North West cho biết, sự cố cắt điện đã khiến hệ thống thông gió của trang trại này ngừng hoạt động, làm hàng vạn con gà chết ngạt.

Tổng thống Ramaphosa đã chỉ rõ ưu tiên hàng đầu hiện nay là giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng. Chính phủ Nam Phi cũng đề ra kế hoạch trong vòng từ 12 đến 18 tháng tới sẽ không để xảy ra tình trạng cắt điện luân phiên. Ngoài ra, Nam Phi đã tính tới việc đàm phán với các quốc gia láng giềng để nhập khẩu điện phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở trong nước và ổn định cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, chưa rõ liệu những kế hoạch này có sớm được triển khai và đem lại hiệu quả hay không.

Rõ ràng, cùng một thời điểm, quốc gia phát triển nhất châu Phi đang đối mặt với hai mối họa không dễ gì hóa giải.

TRUNG DŨNG